Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi làm việc với quận 7 về phòng chống dịch Covid-19.

Trong buổi trao đổi với phóng viên gần đây về câu hỏi “sống chung với dịch” - Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Nên sau khi khẳng định sống chung với dịch là tất yếu, ông đặt câu hỏi: Chỉ có điều là bao giờ sống chung được với dịch?

Và ông tự trả lời bằng dẫn dụ từ kinh nghiệm lâu nay “sống chung với bão, với lũ”, thật dễ hiểu, nhưng thực hiện được cũng thật không đơn giản. Ông nói:  Sống chung với lũ thì cần phải tôn nhà lên cao, có ghe xuồng, quan trọng là phải biết bơi, có áo phao và phải có các điều kiện để mình không chết.

Sống chung với lũ là thế. Còn “sống chung với dịch” thì thế nào? Chúng ta phải có vắc-xin, phải có thuốc, cần có tâm thế, có kiến thức chăm sóc sức khỏe bảo vệ bản thân… Tức là phải có điều kiện cần và đủ để “vũ trang” cho từng người dân như một chiến sĩ để chủ động chiến đấu…

Nghĩa là, điều kiện của điều kiện để “sống chung với dịch” chính là người dân phải nhận thức đúng về dịch Covid-19, nhất là hiểu “con đường” lây lan của dịch để có ý thức tự giác trong phòng, chống dịch. Đây chính là “điều kiện” thiếu nhất của T.P Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung để “sống chung với dịch”.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý chung, cứ thấy dịch thì hoảng loạn, dịch hết thì chủ quan; bị cách ly thì bức bách, trách móc chính quyền; hết cách ly thì lại “sinh hoạt theo bình thường cũ” - mà lẽ ra phải là “sinh hoạt theo bình thường mới”.

Nói sống chung với dịch là tất yếu, cũng có thể hiểu để sống trong điều kiện còn dịch tất yếu chúng ta phải thay đổi lối sống cũ. Đúng như Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Nên nói, đại ý: Cứ cách ly mãi thì chưa chết vì dịch  đã chết vì thiếu những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày.

Huy Thiêm