Kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS sẽ tạo thêm cơ hội cho những người có nhu cầu thực.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt việc tài trợ các lĩnh vực bất động sản. Việc siết tín dụng bất động sản sẽ khiến nhóm đầu cơ dùng đòn bẩy tài chính khó huy động vốn, do đó thị trường được cho là có thể hạ nhiệt, tạo thêm cơ hội cho những người mua bất động sản không cần đòn bẩy tài chính, cũng như giúp những người có nhu cầu thực không bị cạnh tranh mạnh từ những người đầu cơ ngắn hạn.

Ngân hàng Nhà nước siết mạnh cấp tín dụng vào bất động sản

Giá bất động sản không ngừng tăng từ đầu năm đến nay; sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước khiến người dân ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực này. Tín dụng ngân hàng quý 1 cũng tăng hơn 5%, gấp 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái, riêng tín dụng tháng 3 tăng tới hơn 2%. Trước tình trạng dòng vốn cho thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo sát sao về kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực này từ kênh tín dụng và trái phiếu. Đến nay, một số ngân hàng đã có động thái quyết liệt hơn khi tạm dừng cho vay lĩnh vực này.

Cụ thể, ngân hàng Sacombank không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay đối với cán bộ, công nhân viên và người mua - xây - sửa bất động sản để ở. Ngân hàng cũng không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Thông báo được áp dụng đến hết tháng 6-2022. Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết: “Trong từng thời điểm tùy theo vấn đề về sự tăng trưởng kiểm soát thì chúng tôi có sự điều chỉnh nhất định. Nếu ở thời điểm nào đó, khi những nguồn hoạt động về cho vay bất động sản giảm do khách hàng trả nợ thì có thể chúng tôi điều chỉnh ngay tức thời chứ không cứng nhắc là phải tạm ngưng ở một thời gian lâu dài”.

Trước đó, ngân hàng Techcombank cũng tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) kể từ cuối tháng 3. Việc siết tín dụng bất động sản đang được thực hiện khá chặt chẽ và có xu hướng mở rộng ra, từ việc cho vay các dự án để huy động vốn, hay tham gia với tư cách là đối tác. Các khoản vay của khách hàng khi tham gia mua các dự án. Các khoản vay thế chấp tài sản. Dù ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng nhu cầu vay trong lĩnh vực bất động sản vẫn tăng trưởng tốt so với nhiều ngành nghề khác. Để tạo thuận lợi cho người dân, ngân hàng vẫn xem xét cho vay những khách hàng có nhu cầu tích lũy ở thật, và tăng thẩm định để hạn chế rủi ro khi cấp tín dụng đối với khách hàng có mục đích đầu cơ.

Thực tế, cho vay bất động sản vẫn là một trong những khoản cho vay đem lại lợi nhuận cao của các ngân hàng. Lợi nhuận cao đi kèm với rủi ro cũng sẽ cao, khi thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều yếu tố không mấy tích cực. Tỷ lệ đầu cơ cao, giá tăng liên tục là những biểu hiện khiến nhiều nhà băng phải tạm thời hạn chế cho vay vào lĩnh vực bất động sản để đánh giá lại các khoản vay, độ rủi ro và hướng xử lý các khoản nợ, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Thị trường bất động sản sẽ hạ nhiệt

Theo ông Nguyễn Duy Thành - Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà Toàn Cầu, thị trường bất động sản sẽ trở nên minh bạch hơn sau động thái siết tín dụng, tránh xảy ra bong bóng bất động sản khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ sẽ lựa chọn những kênh đầu tư phù hợp hơn, không đầu tư vào những dự án bất động sản không đầy đủ pháp lý, chậm tiến độ mà chuyển sang đầu tư đất nền phân lô có pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp với túi tiền. với kinh nghiệm lâu năm trên thị trường, chính lực lượng đầu cơ đã đẩy giá bất động sản nhiều khu vực lên cao ngất ngưởng, gây ảnh hưởng tiêu cực cho toàn bộ thị trường, sốt đất diễn ra diện rộng thời gian qua.

Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Việt An Hòa thì nhận định: Thông thường, một nhà đầu tư cá nhân mua bất động có 3 nguồn vốn: Vốn tự có, vốn góp từ bạn bè người thân và vốn vay ngân hàng - đây cũng là nguồn vốn thường chiếm tỷ trọng lớn nhất. Do đó, việc siết tín dụng sẽ khiến nhóm đầu cơ dùng đòn bẩy tài chính khó huy động vốn, do đó thị trường được cho là có thể hạ nhiệt trong thời gian tới...

Trong trường hợp các nguồn vốn kia không hiệu quả và không đạt được đủ số lượng một nhà đầu tư họ mong muốn thì có lẽ các hoạt động đầu tư và tài trợ cho bất động sản sẽ chậm lại. Do đó, dự báo thời gian tới các bất động sản có tính đầu cơ, lướt sóng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Về lâu dài, thị trường sẽ trở nên lành mạnh hơn, tránh xảy ra bong bóng bất động sản khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.

Không chỉ siết vay vốn, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng có những quy định chặt chẽ về việc mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là chiếc van hạn chế và kiểm soát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào bất động sản qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Trong kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Theo các chuyên gia, việc này sẽ giúp tạo thêm cơ hội cho những người mua bất động sản không cần đòn bẩy tài chính, cũng như giúp những người có nhu cầu thực không bị cạnh tranh mạnh từ những người đầu cơ ngắn hạn.

Võ Hóa