Chương trình được tổ chức với mong muốn tạo ra sức lan toả, gắn kết rộng khắp và đã để lại những ấn tượng đậm nét dành cho những người tham dự và theo dõi chương trình. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, truyền thống của dân tộc; Đức hy sinh, lòng biết ơn và nhân lên khát vọng xây dựng cuộc sống có lý tưởng, hoài bão.27/07/2023 10:14
Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã trải qua bao cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, bao thế hệ con Lạc, cháu Hồng ưu tú đã phải ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc. Chỉ riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng triệu nam thanh, nữ tú đã anh dũng xung trận và tham gia phục vụ chiến đấu, trong đó, có hàng vạn sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Vào buổi tối ngày 30/4/1964, ngay chính tại nơi đây (Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội) đã vang lên những lời thề đanh thép:
- Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược!
- Sẵn sàng hi sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!
- Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Đảng và nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ!
Những âm vang đó là sự thể hiện quyết tâm, khát vọng của tuổi trẻ trường Đại học Sư phạm Hà Nội lúc bấy giờ, sẵn sàng chiến đấu, cống hiến, hi sinh khi tổ quốc cần. Chính từ những hoạt động ban đầu của thanh niên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã góp phần mở đầu phong trào cách mạng sôi nổi, hào hùng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam thế kỉ XX: Phong trào “Ba sẵn sàng”.
Ở Thủ đô Hà Nội có một nghĩa trang đặc biệt, mang tên Mai Dịch. Đặc biệt bởi 1.622 người an nghỉ ở đây là đại diện cho nhiều thế hệ, nhiều thành phần, từ Tướng tới quân, từ lãnh đạo cấp cao tới người chiến sĩ trẻ... những người đều đã từng dành sức lực, dành thanh xuân, dành cuộc đời của mình để đóng góp cho đất nước hòa bình và phát triển.
Cùng với đó hằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ...
Với những sự đặc biệt kể trên ấy, 19h00 tối thứ hai, ngày 24/7, tại Nghĩa trang Mai Dịch, một chương trình tri ân ấm cúng, nghĩa tình nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) đã diễn ra. Chương trình có trao quà tri ân tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, gia đình Liệt sĩ và các thương, bệnh binh.
Chương trình “Thắp hương tri ân năm 2023” có chủ đề "Sáng mãi tình đất nước - Cùng nguyện ước mai sau" được Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Salepro cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức. Chương trình “Thắp hương tri ân năm 2023” là chương trình trong chuỗi hoạt động thường niên kéo dài từ năm 2011 đến nay đã 13 năm sáng lập và duy trì do Công ty Cổ phần Hệ sinh thái SalePro và sự tham gia nhiệt tình của các tình nguyện viên trên nhiều vùng miền cả nước.
Trước khi diễn ra chương trình, Đại diện Ban Tổ chức và một số bạn tình nguyện viên đã đến thắp hương tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn, đây là Đài tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc đặt tại Quảng trường Ba Đình, kính mời hương linh các Anh hùng, Liệt sĩ cùng về đây tham dự và chứng kiến những tấm lòng tri ân, những nghĩa cử cao đẹp. Vì vậy những ngọn hoa đăng được đặt trang trọng tại hàng đầu tiên tượng trưng cho sự hiện diện của các hương linh các Anh hùng, Liệt sĩ.
Chương trình có sự tham dự của các đại biểu: Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tôn giáo; Trung tướng Lê Văn Hân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam; Trung tướng Trần Tấn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam; Thiếu Tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội; Đại tá NSƯT Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội; Đại tá Phạm Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm phát thanh Truyền hình Quân Đội; Ông Trần Đức Thành, Giám đốc Đài VTC; Ông Hồ Anh Tuấn, Nguyên thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ông Vũ Ngoạn Hợp, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Veca; Ông Nguyễn Quang Hải, Tổng biên tập Tạp chí Dân Tộc; TS. Viện trưởng Vũ Khắc, Trưởng Ban Hợp tác liên ngành Việt Nam - Liên Bang Nga; Ông Jack Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Salepro đồng Trưởng Ban Tổ chức chương trình; Bà Bùi Vân Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Salepro, Phó Ban Tổ chức chương trình; cùng sự đồng hành của Đài Truyền hình Quân đội; Đài Truyền hình KTS VTC; Đoàn thanh niên VTC; Viện Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội,... và các nhà hảo tâm.
Chương trình được tổ chức dựa trên 100% sự tự nguyện đồng hành của tất cả các đơn vị, cá nhân: NSND Tạ Minh Tâm, NSUT Hồng Hạnh, ca sĩ Viết Danh, Thu Thủy Sao Mai, Vũ đoàn PL, Net Media,... và hàng trăm tình nguyện viên là các bạn sinh viên của các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Mở đầu chương trình, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam phát biểu khai mạc: “Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống quý báu ngàn đời của người dân Việt Nam đã khắc sâu trong tim vì sự hy sinh cống hiến của các thế hệ cha ông giữ nước và xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Những ngày này, cả nước lặng im, lặng mình tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh cho hoà bình, những người đã trở về sau bom đạn của khói lửa gửi lại một phần xương thịt nơi chiến trường. Chiến tranh dù đã lùi xa, nhưng những hình ảnh các chiến sĩ vẫn còn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ hôm nay và mai sau. Nhân dịp Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, chúng tôi tụ hội về đây Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Dịch để ôn lại những tháng năm hào hùng của dân tộc chúng ta, tưởng nhớ công lao trời biển của các Anh hùng – Liệt sĩ, thắp nến tri ân, tặng quà cho các thân nhân gia đình Liệt sĩ. Hoạt động này như là một sự giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Đứng trước Anh linh của những người cha, người mẹ, người anh, người chị, đồng đội của chúng ta đã hy sinh cho quê hương, sự đóng góp của các Anh hùng – Liệt sĩ mãi mãi ghi vào trang sử vàng oanh liệt của dân tộc Việt Nam như một Thiên Anh hùng ca bất diệt. Truyền thống đạo nghĩa là những giá trị mà tuổi trẻ chúng ta không thể quên, là hành trang của mỗi bạn trẻ trong việc học tập và rèn luyện. Chúng ta đang sống trong hoà bình, độc lập, tự do, không còn bom rơi, đạn nổ, không biết tang thương, chết chóc do bom đạn, kẻ thù gây ra hàng ngày. Tất cả đó là nhờ gần 1,2 triệu Liệt sĩ đã ngã xuống. Vẫn còn 53.000 Liệt sĩ vô danh, trong đó còn gần 18.000 Liệt sĩ đang nằm lại ở các chiến trường, trong rừng sâu, khe lạnh tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Cả nước ta có trên 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800.000 thương binh, hơn 300.000 người bị nhiễm chất độc da cam ở cả hai miền Nam, Bắc chúng ta do bom đạn kẻ thù đã giết chết hơn 4 triệu thường dân. Chỉ riêng Hà Nội đã có hơn 80.000 Liệt sĩ, 45.000 thương binh, 6.700 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những con số như vậy để cho chúng ta thấy sự ác liệt của bom đạn, sự ác liệt của chiến tranh mà kẻ thù gây nên. Tổ quốc đã im tiếng súng gần 50 năm nhưng có biết bao câu chuyện của những bà mẹ đợi con, vợ chờ chồng, những đứa con thơ chờ cha năm nào đã thành ông, thành bà nhưng vẫn khắc khoải để đón được hài cốt người thân của mình về với quê hương. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách cho Thương binh, gia đình Liệt sĩ công tác đền ơn đáp nghĩa. Nhưng có những vấn đề vẫn chưa đáp ứng được hết, thực tế cho thấy dù đã đạt được các mục tiêu đề ra, mang lại ý nghĩa chính trị sâu sắc nhưng chúng ta chưa thực sự để tâm khi chứng kiến những hoàn cảnh gia đình chính sách, Thương binh đang cần sự chăm sóc chia sẻ. Trong mỗi chúng ta hôm nay luôn nung nấu một ý chí quyết tâm, củng cố thêm lập trường, xác định rõ hơn nghĩa cử, trách nhiệm rằng dù vật chất có đầy đủ đến đâu cũng không thể bù đắp được sự mất mát hy sinh của các Anh hùng, Liệt sĩ. Phải có lòng biết ơn vô hạn, tình yêu thương và hành động cụ thể để tri ân bằng các việc làm có ý nghĩa. Kính thưa hương hồn các Anh hùng, Liệt sĩ – Các anh, các chị là hình ảnh đẹp nhất, là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng, một đời sống vì lý tưởng, vì đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, lịch sử sẽ mãi mãi ghi danh, dân tộc Việt Nam sẽ đời đời nhớ ơn, thế hệ trẻ sẽ mãi ghi tri ân và mãi mãi noi gương các anh, các chị là những người con Lạc, cháu Hồng bất khuất. Các anh, các chị đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, máu của các anh, các chị đã đổ xuống để tô thắm thêm cho lịch sử của dân tộc Việt Nam Anh hùng”.
Tiếp nhận lời dăn dạy quý báu của Trung tướng Trung tướng Hoàng Khánh Hưng – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam, ông Jack Dũng - Chủ tịch Hệ sinh thái Salepro, đồng Trưởng Ban Tổ chức chương trình phát biểu: “Hôm nay, tại nghĩa trang Mai Dịch, Hệ sinh thái Salepro, Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam, Trung tâm phát thanh truyền hình Quân đội, các đơn vị đồng hành như Đoàn Thanh niên VTC, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, khoa Quốc Tế Pháp Ngữ IFI, và hơn 400 bạn tình nguyện viên đại diện thế hệ trẻ cả nước đã trang trọng tổ chức chương trình ‘Thắp hương tri ân’ – ‘Sáng mãi tình đất nước - Cùng nguyện ước mai sau’ với 3 nhiệm vụ lớn: Thứ nhất là tri ân công lao của các Anh hùng -Liệt sĩ bằng việc lau dọn tôn tạo mộ phần, thắp hương nến tri ân. Đến 19h tối ngày 23/7 thì toàn bộ mộ phần các anh linh đã được các tình nguyện viên lau dọn sạch sẽ. Thứ 2 là thăm hỏi tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, thân nhân Liệt sĩ và người có công với cách mạng. Chương trình “Thắp hương tri ân 2023” vinh dự mời được 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 25 thân nhân Liệt sĩ là sự đồng lòng nhất trí của Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam đại diện là Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, và một chương trình nghệ thuật kết nối tâm linh sâu sắc là cơ sự biên đạo của Đại tá Phạm Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm truyền hình Quân đội. Ban Tổ chức rất nỗ lực mời được 50 bác thương bệnh binh phường Phú Thượng và phường Mỹ Đình cùng về hiện diện tại sân khấu hôm nay. Cuối cùng là Giáo dục truyền thống các mạng, tinh thần yêu nước nồng nàn của thế hệ cha anh, truyền thống đền ơn đáp nghĩa đến thế hệ trẻ thông qua hành trình tri ân xuyên suốt tháng 7 lan toả chương trình đến các thế hệ trẻ cả nước”.
Những đóa hoa, những cây nến, những lời ca, tiếng hát, vần thơ sẽ được nhẹ nhàng, êm ái hòa quyện vào làn nhan thơm gửi tới các Anh hùng, Liệt sĩ, gửi tới các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà văn hóa đang an nghỉ ở đây; gửi tới các Anh hùng, Liệt sĩ của Thủ đô; các Anh hùng, Liệt sĩ ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam... và cả những Anh hùng, Liệt sĩ còn đang nằm lại ở rừng sâu, khe lạnh, trên nước bạn Lào, Campuchia... những người đã hiến dâng xương máu cho đất nước hòa bình, cho nhân dân ấm no, cho dân tộc phát triển, cho Tổ quốc trường tồn.
Tổ quốc luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ những người đã ngã xuống, đã hiến dâng cả thanh xuân, tuổi trẻ. Đất nước đã có quá nhiều người con phải hy sinh tính mạng hay để lại một phần thân thể nơi đất mẹ ngàn năm. Thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mai sau luôn tạc dạ, ghi tâm công lao của những thế hệ tiền nhân. Và tự hứa với lòng mình, cần phải cố gắng hơn nữa, học tập nhiều hơn nữa, có tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, hun đúc nhiệt huyết, dám dấn thân, sẵn sàng cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường, "sánh vai với các cường quốc năm châu".
Nguyễn Trang