Học sinh đón chờ năm học mới 2020-2021 với nhiều thử thách.
Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường năm nay (5-9), biết bao khó khăn, thử thách đang trực chờ Ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) và tất cả chúng ta. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 tạo nên nhiều xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có Ngành GDĐT. Với quyết tâm cao và sự chuẩn bị về mọi mặt, Ngành GDĐT sẵn sàng bước vào năm học mới, vừa chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo chuyện học tập cho hơn 23 triệu học sinh - sinh viên.
Ngày khai giảng năm học mới 2020-2021 là sự kiện quan trọng được quan tâm nhất lúc này. Các địa phương, nhà trường trong cả nước đều đang dõi theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho tổ chức Lễ khai giảng phù hợp, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường… Cũng như các trường học khác trên cả nước, ngay từ đầu tháng 8, Ban giám hiệu Trường tiểu học - THCS Newton (Hà Nội) đã chủ động xây dựng 3 kịch bản khai giảng năm học mới, vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.“An toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên luôn phải được ưu tiên hàng đầu”, cô Cao Thị Tuyết - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Newton cho biết: Tuy địa phương chưa phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh và chỉ đạo của cấp trên, nhà trường sẽ sử dụng các phương án, kịch bản phù hợp. “Dù lễ khai giảng diễn ra theo bất cứ kịch bản nào, nhà trường cũng sẽ thực hiện đầy đủ các tiến trình và nội dung cơ bản như: Nghi thức chào cờ, đọc Thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đón học sinh đầu cấp… để học sinh toàn trường luôn cảm nhận được sự trang trọng của buổi lễ và không khí náo nức khi bước vào năm học mới”.
Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến. Thầy Dương Văn Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ khẳng định: Thực hiện chỉ đạo của Bộ, với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, nhà trường hoàn toàn có thể tổ chức tốt lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến; tuy nhiên, đa số thầy và trò vẫn mong muốn được dự Lễ khai giảng theo hình thức truyền thống. “Cho dù phải áp dụng các biện pháp phòng dịch tại lễ khai giảng (như giãn cách, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt; phần lễ và hội của khai giảng được thu gọn…) thì lễ khai giảng trực tiếp vẫn mang lại nhiều cảm xúc, ý nghĩa hơn cho học sinh và giáo viên”.
Còn đối với vùng núi khó khăn, các trường có những cách làm sáng tạo để tổ chức Ngày khai giảng đầu năm học mới theo điều kiện đảm bảo của mình. Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lý 1, huyện miền núi Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhà trường không thể tổ chức khai giảng trực tuyến cho 480 học sinh tại 9 điểm trường, bởi trường có 9 điểm trường thì chỉ 3 điểm có điện, chưa kể điều kiện trang bị máy tính, điện thoại di động cho các gia đình học sinh vẫn là chuyện xa vời. Tuy nhiên, nhà trường vẫn đang “lắng nghe” tình hình thực tế để tổ chức Lễ khai giảng phù hợp với điều kiện. Nếu tổ chức trực tiếp, trường sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch cho giáo viên, học sinh. Phần lễ và hội tại Lễ khai giảng sẽ được “cắt gọt” tối đa và chỉ diễn ra trong 40 phút. Có thể thấy, khai giảng trực tuyến đối với các trường vùng khó vẫn là mong ước khó triển khai. Do đó các nhà trường đều tập trung lên phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại Lễ khai giảng theo hình thức truyền thống, trực tiếp.
Tùy vào điều kiện cơ sở vật chất và tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tất cả các địa phương, trường học các cấp trên cả nước đều chuẩn bị tích cực cho Ngày khai giảng năm học mới 2020-2021 diễn ra trang trọng, an toàn và đầy ý nghĩa cho tất cả học sinh và đội ngũ nhà giáo. Có thể vì phòng chống dịch bệnh nên Lễ khai giảng tại nhiều nơi không được “hoành tráng” như những năm trước, các đại biểu đến tặng hoa, tặng quà ít hơn; các bậc phụ huynh đến dự ít hơn nhưng ai cũng hiểu, năm học mới còn dài 9 tháng nữa, sự quan tâm giúp đỡ với các nhà trường, các cháu học sinh còn nhiều dịp khác. Thực tế Ngày khai giảng năm học mới phải vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi...
Bên cạnh việc tổ chức Ngày khai giảng năm học mới, Ngành GDĐT cũng đặt chương trình, kế hoạch ổn định và duy trì nề nếp học tập ngay sau lễ khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục, triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn trường học, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt cả năm học. Thực hiện đúng thu chi tài chính, công khai các khoản thu chi đầu năm học, không để xảy ra tình trạng lạm thu. Rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 1; không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học… Tất cả đều đã sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cho năm học mới 2020-2021 thành công.
Quang Hải