Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng quà cho mẹ Nghèng.
Báo tháng 9 - Quảng Bình là xứ sở của nắng và cát. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình. Không chỉ ở Bảo Ninh quê mẹ Suốt mà ở xã biển Quang Phú, phía đông bắc thành phố Đồng Hới, những động cát trắng chạy dài tít tắp.
Để ngăn cát bay, cát nhảy vùi hoa màu và chống xói lở bờ biển, Đội trồng rừng chắn cát xã Quang Phú do mẹ Phạm Thị Nghèng làm Đội trưởng ra đời, hầu hết là phụ nữ. Qua 45 năm hoạt động (1964-2009), Đội đã phủ xanh hơn 200 hecta đồi cát, tạo môi trường xanh mát và ngụy trang kín đáo cho các trận địa pháo thời chống Mỹ. Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ba lần tới thăm, động viên cán bộ và nhân dân xã Quang Phú, trong đó có Đội Trồng rừng của mẹ Nghèng.
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Quang Phú là xã có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, có lúc dẫn đầu miền Bắc về HTX ngư nghiệp. Bởi vậy nên đã sánh ngang với các địa phương nổi tiếng trong nước: “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, buồm Quang Phú, trống Bắc Lý, cờ Ba Nhất”. Mặc dù không phải là xã miền núi nhưng Quang Phú quyết tâm trồng rừng và giữ rừng với khẩu hiệu “Rừng là nhà, biển là quê hương, bãi cát rừng dương là bức tường dựa vững chắc”…
Trồng cây trên cát không phải chuyện đơn giản, nắng nóng gió Lào thổi hầm hập, muốn cây sống và phát triển phải chăm sóc kỳ công. Biển lặng ra khơi đánh cá, biển động về nhà trồng cây, mùa hè thì ươm cây; vào bầu, chờ mưa xuống mới trồng. Những cánh rừng phi lao cứ thế phủ xanh bờ biển. Riêng 5 năm từ 1968-1973 là giai đoạn máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất, những cánh rừng xanh tốt ven biển cũng là nơi trú ẩn của tàu thuyền và trận địa pháo, nên địch săm soi bắn phá.
Có những cánh rừng xanh tốt bị bom Mỹ đốt cháy trụi. Không nản lòng, ngớt bom là đội quân của mẹ Nghèng tiếp tục trồng lại. Chỉ 5 năm trên bom dưới đạn các mẹ đã trồng được 60 vạn cây phi lao chắn cát. Khẩu hiệu bảo vệ rừng cũng được bà con treo đầu làng đến cuối xóm “Hỡi ai đi đến nơi này/ Chớ nên chặt phá những cây đã trồng”. Bởi vậy nên ngày nay rừng cây ấy đã trở thành cổ thụ, tỏa bóng mát từ cửa Nhật Lệ đến Quang Phú. Rừng cây phi lao bát ngát được nhân dân trong xã đặt là “Rừng mẹ Nghèng”.
Với thành tích 45 năm làm cánh chim đầu đàn trong phong trào trồng cây gây rừng, mẹ Nghèng đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999 và tháng 11-2000 mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Riêng xã Quang Phú được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1966.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất quan tâm đến các điển hình của phong trào thi đua. Ông thường đến động viên cán bộ, nhân dân giữ vững và phát triển phong trào. Đầu năm 1967, khi xã Quang Phú vừa mới được phong Anh hùng, mặc dù chiến tranh phá hoại ở Quảng Bình lúc đó rất ác liệt, nhưng Đại tướng vẫn đến thăm, động viên tinh thần và tặng 5 gói thuốc lào, 1 cây thuốc Điện Biên, hai gói chè Thanh Hương, kẹo bánh...
Đại tướng căn dặn bà con “Đã sản xuất tốt nhưng phải sản xuất tốt hơn nữa; phòng không nhân dân, chiến đấu chống Mỹ, vận tải và một số công tác tốt nhưng phải tốt hơn nữa. Hiện nay đã Anh hùng rồi nhưng làm thế nào để giữ và Anh hùng lần thứ hai nữa”.
Khắc sâu lời căn dặn của Đại tướng, cán bộ và nhân dân xã Quang Phú vừa sản xuất giỏi vừa chiến đấu giỏi, bắn cháy máy bay và tàu chiến Mỹ, được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND vào năm 1972.
Để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất đối với cán bộ và nhân dân xã Quang Phú là chuyến thăm của Đại tướng vào ngày 20-8-1999; đây là chuyến thăm lần thứ tư về xã và cũng là lần cuối của Đại tướng. Sau 35 năm trồng và chăm sóc, rừng cây phi lao đã tỏa bóng mát mênh mông. Nói chuyện với cán bộ xã, Đại tướng căn dặn: “Quang Phú hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Cùng với Đại Phong, Quang Phú trở thành lá cờ đầu của phong trào HTX trên toàn miền Bắc. Trong giai đoạn đổi mới, Quang Phú cần phát huy truyền thống anh hùng, tranh thủ tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tiếp tục vươn khơi bám biển làm giàu, tiếp tục vận động nhân dân trồng cây gây rừng theo gương mẹ Nghèng, làm sao xây dựng Quang Phú trở thành một làng quê kiểu mẫu...”.
Rồi Đại tướng lội cát đến thăm rừng cây mẹ Nghèng, ông dành nhiều thời gian trò chuyện với mẹ. Biết mẹ Nghèng có sáng kiến dùng cành phi lao để ươm ra cây phi lao giống thay vì chỉ ươm từ hạt, Đại tướng rất vui và khen ngợi. Ngồi trên chiếc võng mắc giữa hai cây phi lao, ung dung tự tại cùng sóng biển rì rào, Đại tướng tâm sự với bà Nghèng “Tôi một thời trận mạc, cầm quân đánh giặc, bà một đời vận động chị em phụ nữ trồng rừng, giờ gặp nhau tóc ai cũng bạc trắng cả rồi !”. Biết bà Nghèng sinh được 5 người con nhưng chỉ còn lại 4 người con gái, Đại tướng động viên “Thôi bà đừng phân biệt trai gái chi hết, có phúc là có phần bà ơi !”. Rồi Tư lệnh đánh giặc và “Tư lệnh trồng cây” cùng tản bộ dưới cánh rừng ngắm cảnh, hai mái đầu bạc trắng thấp thoáng dưới tán rừng dương, tạo nên hình ảnh rất đẹp, rất thơ.
Đại tướng dặn dò mẹ Nghèng: “Bác Hồ nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chúng ta phải trồng nhiều nhiều rừng hơn nữa, phải gây rừng phủ xanh hết đồi cát. Trồng cho con cháu đời sau hưởng lợi. Hiệu quả trồng rừng phi lao chắn cát không phải ngày một ngày hai mà mãi mãi”.
Vâng lời Đại tướng, Đội Trồng cây của mẹ tiếp tục trồng cây gây rừng. Tuy nhiên vì tuổi đã cao, đôi vai của mẹ không thể gánh nước lên đồi cát được nữa, mẹ động viên con cháu tham gia và mẹ chỉ bảo cách trồng cho hiệu quả.
Năm 2002, mẹ Nghèng mất, hưởng thọ 74 tuổi, Đại tướng gửi thư chia buồn với gia đình. Trong căn nhà đơn sơ của mẹ có treo tấm ảnh Đại tướng chụp chung với mẹ năm 1999.
Ngoài kia, gió biển và rừng phi lao vi vu hát ngày đêm, như kể lại những kỷ niệm khó quên về những lần Đại tướng về thăm Quang Phú và mẹ Nghèng.
Xuân Vui