Đã là rác thì ở không gian nào cũng là rác và việc xả rác không đúng quy định ắt sẽ bị xử phạt. Trường hợp dưới đây có thể là ví dụ điển hình đầu tiên của khung hình phạt với việc xả rác trong vũ trụ.
Chuyện là, ngày 2-10 vừa qua, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã công bố quyết định phạt Dish - một công ty truyền hình, khoản tiền 150.000 USD vì đã không xử lý vệ tinh đã hết hạn sử dụng theo đúng quy định. Như vậy, đây là khoản tiền phạt điển hình đầu tiên mà giới chức Mỹ áp đặt để xử lý trường hợp vi phạm quy định về xử lý rác vũ trụ. Hơn thế, với quyết định này, Dish trở thành bị đơn đầu tiên trên thế giới bị phạt vì xả rác trong vũ trụ.
Theo FCC, Dish sở hữu vệ tinh có tên EchoStar-7 trên quỹ đạo từ năm 2002. Khi vệ tinh địa tĩnh này kết thúc thời gian hoạt động, Dish đã di chuyển vệ tinh đến độ cao thấp hơn mức mà hai bên đã thỏa thuận, do đó vệ tinh này có thể gây ra lo ngại về rác trôi nổi trong vũ trụ. Ủy ban cho biết Dish đã cam kết vào năm 2012 sẽ nâng vệ tinh lên độ cao 300km trong vòng quỹ đạo địa tĩnh. Tuy nhiên, khi nhiên liệu sắp hết, Dish đã cho vệ tinh dừng hoạt động ở độ cao chỉ hơn 120km so với quỹ đạo này.
Tuy Dish chưa đưa ra bình luận nào trước thông tin trên nhưng quyết định của FCC là hồi chuông cảnh tỉnh trước tình trạng rác trôi nổi trong vũ trụ. Cơ quan Vũ trụ châu Âu ước tính có khoảng một triệu mảnh vụn lớn hơn 1cm, kích thước đủ lớn để "vô hiệu hóa tàu vũ trụ" đang ở trên quỹ đạo trái đất.
Nam Long