Theo đánh giá chung thì phiên chất vấn đã thể hiện rõ nét tiến trình dân chủ, tiến bộ của nghị trường khi mà các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề, nói "trúng" những bức xúc của cử tri và nhân dân cả nước như vấn đề lãng phí trong các dự án, ô nhiễm môi trường, xuống cấp đạo đức… Nhiều đại biểu đã kiên trì “đeo bám” các kiến nghị từng nêu ở các kỳ họp trước và tiếp tục chất vấn tại kỳ họp này với mong muốn tìm ra nguyên nhân và giải pháp giải quyết căn cơ nhất, hiệu quả và hợp lòng dân nhất.
Chính điều này khiến cho những kiến nghị tưởng chừng mới mẻ nhưng thực tế lại rất sát thực, buộc các thành viên Chính phủ có thái độ cầu thị và quyết tâm giải quyết chứ không để rơi vào quên lãng. Điều đó đã thể hiện xu hướng chất vấn, đối thoại dân chủ, phát huy của trí tuệ, quyền hành cũng như trách nhiệm của cử tri trước nhân dân và đất nước. Phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ ngày càng sát hơn, gọn hơn, thể hiện sự dân chủ trong nghị trường. Nếu phát huy được vấn đề này trong các cuộc họp của Chính phủ cũng như cơ quan Trung ương và công khai đến nhân dân thì hiệu quả chính trị, xã hội sẽ còn lớn hơn nữa. Điều đó còn tạo điều kiện để nhân dân góp ý cũng như cảm thông về những khó khăn, băn khoăn của lãnh đạo đồng thời tìm tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề của đất nước.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà các kỳ họp Quốc hội chưa giải quyết được, còn lặp lại, đó là trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra sai phạm. Quốc hội cần hành động chứ không chỉ dừng lại ở chất vấn, tức là phải tăng cường giám sát để các cơ quan hành pháp có thái độ cầu thị, thực thi nghiêm pháp luật.
PV