Các đại biểu nhất trí cho rằng cần thiết ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với Hiến pháp, thẩm quyền của Quốc hội, quy định về hệ thống hàm, cấp của quân nhân chuyên nghiệp.

Mặt khác, kịp thời bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác. Việc ban hành Luật này sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Góp ý về vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cơ bản đã xác định rõ vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần làm rõ chế độ phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp là chế độ tự nguyện và chế độ phục vụ của công nhân, viên chức quốc phòng là chế độ tuyển dụng.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, nhiều ý kiến tán thành với quy định về quyền, nghĩa vụ chung của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cũng như các nghĩa vụ có tính chất riêng biệt đối với từng đối tượng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định công nhân, viên chức quốc phòng có nghĩa vụ như quân nhân là không phù hợp, hoặc trong việc chấp hành điều lệnh, điều lệ của quân đội, vì hệ thống điều lệnh, điều lệ của quân đội có nhiều loại. Công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng không phải là quân nhân, nếu quy định họ phải chấp hành tất cả các điều lệnh, điều lệ như quân nhân chuyên nghiệp là thiếu khả thi.
PV