Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025.

Công điện nêu rõ: Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - kỷ niệm 100 thành lập nước; tiếp theo Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2024 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên cao nhất thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức hai con số. Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên, các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; trong đó:

1. Tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện mục tiêu trên trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2025.

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực quản lý phù hợp với mục tiêu và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025.

c) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm vững tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương nhưng phải thống nhất trong mục tiêu chung là đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia. Các thành phố lớn, các địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung.

d) Các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành nhiệm vụ tại điểm b và c nêu trên gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 12 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 03 tháng 01 năm 2025.

2. Tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)

a) Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2030.

- Xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen; kết nối với khu vực trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

b) Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường các giải pháp kích thích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu; phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả; gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, làm cho sản phẩm Việt Nam có mặt mọi nơi trên thế giới, từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

3. Tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

a) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trình Chính phủ trước ngày 05 tháng 01 năm 2025; xác định đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, mua, thuê các sản phẩm dịch vụ số; có chính sách đặc biệt để đào tạo, phát triển, thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển sản phẩm công nghệ số, công nghiệp an ninh mạng; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Xây dựng cơ chế hợp tác công tư để phát triển hạ tầng số hiện đại, trong đó nguồn lực nhà nước là chủ yếu. Phát triển hạ tầng viễn thông, internet. Tập trung số hoá toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ở tất cả các Bộ, cơ quan, các cấp, các ngành.

c) Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập, chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân lực chất lượng cao trong những lĩnh vực này; tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; có cơ chế thử nghiệm chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược. Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh, (trình Chính phủ trong quý I năm 2025).

d) Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; có giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp...

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình ban hành danh mục ngành kinh tế xanh tích hợp vào hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; khẩn trương hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, với các chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng trình Chính phủ trong Quý I năm 2025.

- Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi về tài chính, khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các giải pháp tăng cường nguồn lực cho tín dụng xanh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, dự án xanh.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia, làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế.

đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… (trình Chính phủ trong Quý I năm 2025).

e) Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, nâng cao hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng.

4. Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hoá; phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước.

- Chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải Các-bon thấp. Đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu. Phát triển ngành thuỷ sản gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết có hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu. Xây dựng và phát triển các khu thương mại tự do tại Thành phố Hải Phòng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, dạy nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới, nhất là trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, điện hạt nhân...

- Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

5. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân

a) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng phương án huy động tối đa nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho đầu tư phát triển; đa dạng hóa nguồn vốn, khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc để khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động nguồn lực cho phát triển.

b) Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động, quyết liệt, tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Phát huy hiệu quả vai trò, hoạt động của Ban Chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn cho các dự án; tập trung rà soát, phân loại và đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa vào sử dụng, giải phóng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu thông qua liên kết doanh nghiệp.

d) Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.

6. Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là "đột phá của đột phá" để tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu đề ra; khẩn trương hoàn thiện thể chế cho hoạt động của bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Trung ương.

7. Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

- Tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm tầng nấc trung gian, chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch, đầy đủ thủ tục hành chính, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

- Đẩy nhanh triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính theo quy định; 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

8. Các Bộ, cơ quan, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Mỗi bộ ngành địa phương phải là những hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên, tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, khẳng định uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

9. Giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực được phân công trực tiếp chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện này; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền.

10. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.