Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ - Donald Trump.

Theo luật pháp Mỹ, ngày 17-12-2024, đại cử tri đoàn mới nhóm họp để chính thức bầu Tổng thống mới. Nhưng ứng cử viên đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump thực tế đã giành chiến thắng ấn tượng với 312 phiếu đại cử tri (số phiếu cần thiết là 270), đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ - đương kim Phó tổng thống Kamala Harris (226 phiếu) để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Ong Trump cũng vượt đối thủ về cả số phiếu phổ thông, điều mà ông không làm được vào năm 2016 và đảng Cộng hòa chỉ thành công một lần kể từ năm 1992. Ông đạt được kết quả này trong bối cảnh đối mặt với hàng loạt cáo buộc hình sự, 3 âm mưu ám sát hụt và một bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử, khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua, trao lại ngọn đuốc cho bà Harris - yếu tố làm cuộc đua trở nên gay cấn, khó đoán đến những phút cuối cùng.

Theo giới phân tích, ông Trump giành thắng lợi ngoạn mục trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhờ áp dụng chiến lược khôn ngoan là tận dụng nỗi bất mãn trong công chúng về tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao, làn sóng di cư ở biên giới phía Nam và tình hình bất ổn ở nước ngoài dưới chính quyền Biden để thuyết phục họ đặt niềm tin vào chính sách của ông. Ngoài ra, phong cách tự tin, phóng khoáng cùng với những lời hứa về một nền kinh tế bùng nổ cũng giúp ông Trump hút bớt một phần quan trọng cử tri của đảng Dân chủ, góp phần tạo nên chiến thắng.

Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Trump xúc động trước khoảnh khắc "đã làm nên lịch sử, đã vượt qua những trở ngại mà không ai nghĩ có thể vượt qua". Ông cam kết sẽ "chữa lành và đem lại thời kỳ huy hoàng" cho nước Mỹ. Ông ca ngợi MAGA (đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) là phong trào chính trị "chưa từng có, vĩ đại nhất mọi thời đại". Ông hứa “sẽ mang năng lượng, tinh thần và sự chiến đấu vào Nhà Trắng, sẽ điều hành chính quyền một cách đơn giản, nói lời phải giữ lấy lời. Không gì có thể cản trở tôi làm điều đó".

Theo các nhà quan sát, để thực hiện lời hứa với cử tri, Tổng thống đắc cử sẽ có những hành động nhanh hơn so với trong nhiệm kỳ đầu 2017-2021. Chính sách của Mỹ thời chính quyền ông Trump “2.0” có thể mang tính thực dụng hơn, cứng rắn hơn, tính toán hơn, lợi nhuận sẽ trở thành cốt lõi và hướng tới việc giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Hai vấn đề trọng tâm mà ông Trump sẽ chú trọng xử lý trong chính sách đối nội từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ hai là nhập cư và kinh tế. Áp thuế với hàng nhập khẩu sẽ được ông Trump ráo riết thực hiện nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Tuy nhiên, các đối tác thương mại như Trung Quốc hay Liên minh châu Âu có thể tung ra đòn đáp trả khiến căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.

Đối ngoại, ông Trump sẽ xem xét lại hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu và xử lý mối quan hệ đồng minh với NATO trên phương diện "có đi có lại" hơn. Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Trump được cho là vẫn sẽ tăng cường sức ép với Bắc Kinh từ kinh tế, chính trị cho đến cạnh tranh về công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…, khiến nhiều quốc gia đối mặt tình thế phải "chọn phe" gay gắt hơn. Tại Trung Đông, ông Trump có thể trao cho đồng minh Israel quyền ứng xử tự do hơn với Iran. Với Iran, sự khó đoán của ông Trump đồng nghĩa với việc ông có thể gây áp lực tối đa nhưng cũng có thể đàm phán ngay từ đầu nhiệm kỳ để đạt thỏa thuận với Tehran.  

Vấn đề Ukraine, giới chức Nga đánh giá lời hứa của ông Trump “có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ” là một lời tuyên bố mang tính “phóng đại”, dù thừa nhận rằng bất kỳ sáng kiến hòa bình nào vẫn tốt hơn so với việc tiếp tục theo đuổi xung đột. Mặt khác, lời hứa đó có thể liên quan đến áp lực trừng phạt đối với Nga: Mỹ sẽ không vội vàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này. Rằng với Nga, Mỹ vẫn là một quốc gia không thân thiện và chỉ thời gian mới có thể chứng minh liệu những phát ngôn của ông Trump về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine có trở thành hiện thực hay không. Còn giới phân tích quốc tế cho rằng ông Trump sẽ gây sức ép để buộc Moskva và Kiev dừng giao tranh, thiết lập một khu phi quân sự để Nga không thể tiến công Ukraine lần nữa. Sẽ có điều khoản đảm bảo cho Nga rằng Ukraine duy trì vị thế trung lập, không gia nhập NATO; Ukraine vẫn giữ được độc lập và Đức cùng các nước châu Âu khác sẽ đóng góp tài chính cho Kiev tái thiết.

Đăng Song