Ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành đi dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường các tuyến đường trung tâm thành phốnăm 2017.

Có hai vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Một là, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đã yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp “Chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài; kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền”. Hai là, chuyện ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1, T.P Hồ Chí Minh, ngay sau khi nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đã bất ngờ nộp đơn từ chức.

Xin được bàn về chuyện thứ hai trước. Ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức không phải là lần đầu. Lần trước, ông nộp đơn xin từ chức Phó chủ tịch UBND quận 1 vì cảm thấy “Không thực hiện được lời hứa trước nhân dân”, đó là dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Một thời, hình ảnh ông quyết liệt xuống đường “sờ tận tay, day tận trán” những hộ gia đình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trở thành “nhân tố mới” cho lớp cán bộ kiên quyết chống tiêu cực, dám nghĩ, dám làm. Thế nhưng, đụng đầu với các “nhóm lợi ích”, ông Hải thấy rõ quyết tâm và hành động của mình không tạo được sự chuyển biến. Thậm chí, ông còn bị “tấn công” không chỉ từ các “nhóm lợi ích” mà còn ngay trong những người đồng chí của mình. Có người thì dè bỉu cho rằng ông “thích thể hiện”, “ngựa non háu đá”. Có người thì cho rằng ông “không ngang tầm”, lẽ ra chỉ nên chỉ đạo cấp dưới làm thì lại xông ra đường đuổi chó chạy rông, dẹp người bán hàng dạo. Có người thì lại cho rằng ông thiếu nhân văn, đằng sau mỗi mẹt hàng rong là sinh kế của cả một gia đình... Thế là, ông xin từ chức lần thứ nhất. Được lãnh đạo thành phố động viên, ông rút lại đơn, tiếp tục công việc.

Lần này, khi được điều động, bổ nhiệm công việc mới, ông lại bất ngờ từ chức vì công việc mới “Không phù hợp với chuyên môn”, mặc dù trước đó ông đã trình bày với tổ chức là công việc không phù hợp với ông. Sự việc lần này có lẽ còn ồn ào hơn lần trước. Một số cán bộ lãnh đạo cho rằng, ông Hải thích “làm mình, làm mẩy”, cần xem xét xử lý kỷ luật. Một số luật sư thì cho rằng, việc từ chức của ông Hải là đúng quy trình, không có lý gì để xét kỷ luật ông được. Và trên hết, nhiều người cho rằng, với một người đã kiên quyết từ bỏ một chức vụ được xem là có nhiều “lộc” như Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn thì chuyện “dọa kỷ luật” có lẽ không phải là mối bận tâm của ông Hải.

Sự việc của ông Đoàn Ngọc Hải làm tôi nhớ đến sự việc của thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Phú Xuyên, Hà Tây cũ) 13 năm trước. Năm 2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã dũng cảm quay video làm bằng chứng tố cáo tiêu cực trong thi cử. Ban đầu, sự việc bị “đánh bùn sang ao”, cho chìm vào im lặng, nhưng nhờ sự dũng cảm, kiên quyết của thầy Khoa, sự việc được đưa ra ánh sáng. Thầy Đỗ Việt Khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng, được xuất hiện trên chuyên mục “Người đương thời” của VTV như một nhân tố mới. Từ sự việc của thầy Khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào “hai không”: Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng sau đó, dần dần từng bước một, Đỗ Việt Khoa bị chính những người cùng hàng ngũ và phụ huynh học sinh phân biệt đối xử, bị kỳ thị, bị đồn thổi là mắc bệnh “tâm thần”, “vĩ cuồng”... Còn phong trào “hai không” của Ngành Giáo dục đến nay ra sao? Hẳn mọi người đã có câu trả lời.

Từ câu chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải, thầy giáo Đỗ Việt Khoa nghĩ về yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài; kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền”, chúng ta thấy được tính phức tạp của việc phát hiện, sử dụng nhân tố mới.

Dù thực tiễn còn nhiều gam màu tối, nhưng chúng ta tin tưởng sâu sắc vào bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội ta. Một chế độ ra đời từ một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhất định sẽ có bản lĩnh, nghị lực để phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và làm lan tỏa những nhân tố mới, những điều tốt đẹp cho xã hội. Để làm được điều này, trách nhiệm trước tiên của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp là phải biết bảo vệ những nhân tố mới như Đỗ Việt Khoa, Đoàn Ngọc Hải... không để họ đi vào ngõ cụt như hiện nay!

Nguyễn Hồng