Xe trọng tải lớn chở vật liệu khiến con đường dọc thôn Bút Sơn ô nhiễm nghiêm trọng.
Những năm qua, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có nhiều đóng góp cho ngành vật liệu xây dựng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực này đã gây không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh...
Hàng trăm hộ dân sống trong ô nhiễm
Phản ánh đến Báo CCB Việt Nam, người dân thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn cho biết: Thời gian qua, hàng chục hộ dân tại đây đang phải sống trong lo lắng vì tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trầm trọng. Trong quá trình hoạt động, sản xuất nghiền đá, bột đá, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn không có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thường xuyên gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Bên cạnh đó, việc các xe trọng tải lớn liên tục di chuyển, cày nát con đường liên tỉnh còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện lưu thông qua đây.
Ghi nhận của PV đầu tháng 6-2024, con đường dẫn vào thôn Bút Sơn phủ đầy một màu trắng của bụi đá, bụi bám đầy cây cối, tường nhà khiến hàng chục hộ dân nơi đây ngày đêm phải cửa đóng then cài. Con đường dẫn vào khu vực có các Công ty Savina, KBB, Cường Phát và Nhà máy xi măng Bút Sơn xuống cấp, hư hỏng nhưng không hề được các doanh nghiệp này quan tâm sửa chữa.
Từ UBND xã Thanh Sơn nhìn lên phía khu vực Cổng trời, nơi nhà xưởng của các doanh nghiệp kể trên có thể thấy rõ những ngọn đồi đã bị phá hủy, hệ thống cây xanh, thực bì… Thay vào đó là màu vàng, trắng, xám xịt, bụi mù mịt của những quả núi bị khai thác nham nhở. Những ngọn núi ngày nào giờ đây trở thành một đại công trường, ngày đêm đua nhau phá núi khai thác tài nguyên. Sự khai thác này dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, hệ sinh thái, phá vỡ cảnh quan. Điều này khiến người dân địa phương bức xúc, xót xa.
Chỉ tay về phía tuyến đường trước cửa nhà, ông Nguyễn Duy T. - thôn Bút Sơn bức xúc nói: Hằng ngày, tuyến đường này có tới hàng trăm lượt xe tải chạy qua. Ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa thì đường lầy lội. Xe tải chạy trên đường chủ yếu chở vật liệu xây dựng cho Nhà máy xi măng Bút Sơn và ra vào các nhà máy sản xuất bột đá của các công ty KBB, Savina, Tiến Sơn cùng một số các mỏ lò tư nhân khác. “Xung quanh khu vực sản xuất của các Công ty Savina, KBB, Tiến Sơn… tình trạng ô nhiễm môi trường không khác gì sản xuất vôi thủ công. Bụi bặm và tiếng ồn là sự ô nhiễm khó chịu trong cuộc sống của chúng tôi. Sản xuất nghiền đá, vôi bột, xả vôi cục, xỉ vôi gây bụi bặm, làm nhiều nhà không dám phơi quần áo ra ngài trời, nguồn nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm nặng nề...” - ông T. bức xúc.
Chính quyền than khó
Theo một số người dân, để đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường, hằng tháng các doanh nghiệp này, mỗi đơn vị đều có nộp về xã số tiền khoảng 3,5 triệu đồng gọi là chi phí vệ sinh môi trường. Tuy nhiên hoạt động quét dọn rất ít, dường như chỉ quét gọi là cho có chứ thực ra không đảm bảo được gì cho công tác vệ sinh môi trường. Cũng như gia đình ông T, và hàng trăm hộ dân ở thôn Bút Sơn hằng ngày phải sống trong môi trường ô nhiễm do các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản gây ra. Nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường ở khu vực chủ yếu là do: Khói bụi của nhà máy xi măng, khói bụi từ các cơ sở khai thác, chế biến đá, bụi từ xe chở quá tải chạy rơi vãi vật liệu xây dựng trên đường.
Tìm hiểu được biết, một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc để các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép hoạt động khai thác đá là lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải có biện pháp xử lý ô nhiễm khói bụi. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động khai thác đá, thực tế doanh nghiệp có thực hiện như đã cam kết hay không lại là chuyện khác.
Trả lời PV. về sự việc trên, ông Vũ Quang Hiển - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho rằng: Với khả năng của cấp chính quyền xã thì rất khó để xử lý dứt điểm vấn đề.
“Trên địa bàn xã có hơn 20 doanh nghiệp khai thác chế biến đá, sản xuất bột đá, sản xuất xi măng nên tình trạng ô nhiễm mà người dân phản ánh là đúng. Tuy nhiên để biết ô nhiễm vượt qua bao nhiêu lần quy định thì chúng tôi không nắm được. Hằng ngày các xe vận chuyển đá, nguyên liệu ra vào khu vực nhiều nên việc rơi vãi vật liệu, ô nhiễm không khí là khó tránh khỏi. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các sở - ban - ngành kiểm tra định kỳ theo kế hoạch tại các mỏ đá. Qua kiểm tra, vấn đề đảm bảo môi trường và an toàn lao động tại nhiều mỏ đá, cơ sở sản xuất vẫn là điều đáng quan tâm. UBND xã nhiều lần kết hợp với các doanh nghiệp tiến hành biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng để dứt điểm hoàn toàn tình trạng ô nhiễm như người dân phản ánh thì còn khá khó khăn” - ông Hiển nói...
(còn nữa)
Bài, ảnh: Võ Hóa