Đại diện chính quyền và người dân tri ân bác sĩ Thu Hà.
Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (82 tuổi), 56 năm tuổi Đảng, từng học cùng Khóa Y1-A, Đại học Y khoa Hà Nội với bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cả hai đều cùng xung phong vào chiến trường miền Nam năm 1966. Với thân hình nhỏ bé nhưng đầy bản lĩnh, nhanh nhẹn và thật giản dị, vì thế ít ai biết bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Đà Nẵng, người cha của bà tập kết ra Bắc (năm 1952), hai năm sau bà mới ra Hà Nội theo học phổ thông và tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1966.
Trong căn nhà khoảng 40m2 ở xã Diên Toàn (Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), trên tay bác sĩ Hà nâng niu tập hồi ký, bà kể: Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học y khoa Hà Nội, tôi cùng bác sĩ Đặng Thùy Trâm và bác sĩ Phượng… xung phong vào chiến trường. Cả đoàn vào Nam ngày ấy có 25 người, trước khi đi phải học bơi, học cả tiếng Anh. Nhóm nữ bác sĩ chúng tôi cùng với đoàn hành quân suốt 3 tháng 10 ngày mới vào đến Trà My. Ban đầu, tôi được phân công làm việc ở Bệnh xá Tiên Lãnh, Tiên Phước (Quảng Nam). Năm 1968, bác sĩ Hoàng Vân - Bệnh xá trưởng bệnh xá Quế Sơn bị bom Mỹ sát hại ngay đang lúc giảng bài cho đồng nghiệp, tôi được điều về thăm.
Ngày đầu tiên về Bệnh xá Quế Sơn thay bác sĩ Hoàng Vân là bắt tay ngay vào công việc, đó là cùng Chính trị viên đơn vị tập trung lo hậu sự, trước đó, mẹ của bác sĩ Hoàng Vân cũng vừa bị bom Mỹ sát hại. Ông là người con cuối cùng trong gia đình ngã xuống vì bom đạn giặc. Sự khốc liệt của chiến tranh đã hiện rõ, tại đây, Bệnh xá này chỉ có 18 nhân lực, lại phải chăm sóc gần 200 thương binh, là “rốn” bom đạn của địch. Nhưng ngay lập tức tôi động viên, tập hợp đồng đội và nguyện tiếp bước bác sĩ Hoàng Vân cho đến ngày toàn thắng.
Những đồng nghiệp cùng thời và hiểu biết về bà Thu Hà kể lại rằng: Hồi ấy phát hiện sự di chuyển thương binh khá xa, nên bác sĩ Thu Hà thuyết phục cấp trên chuyển Bệnh xá về vùng Trung Quế Sơn cho thuận tiện việc cấp cứu, dù biết ở đó hiểm nguy hơn với tính mạng của 18 cán bộ, nhân viên bệnh xá. Nhưng khi đã đồng lòng, tất cả cùng căng mình di chuyển đến địa điểm mới có nhiều hang động hơn… Theo sự phân công của bác sĩ Thu Hà, người chặt cây làm hầm phẫu thuật, dựng lán trại, sạp nằm cho thương binh, làm bếp Hoàng Cầm… Vất vả nhất là số người đi cõng gạo, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm khác ở sát biên giới nước bạn Lào. Suốt những năm 1969-1972, cuộc chiến ở đỉnh điểm ác liệt. Địch vây hãm ráo riết, tiếp tế mọi thứ rất khó khăn, người lãnh đạo Bệnh xá không còn cách nào hơn là cho giặt băng, gạc bằng tro, rửa vết thương bằng mật ong rừng… Các dược tá Phạm Thị Phi Yến, Trần Thị Kim và Đặng Thị Thúy Lưu, vào rừng lấy các loại lá cây làm dược liệu điều trị thương binh, nhưng sau nhiều lần đi tìm kiếm dược liệu, chỉ còn Thúy Lưu trở về! Rồi Thành, Thách, Thương… lần lượt hy sinh, bác sĩ Thu Hà khóc không còn nước mắt, bà thắp nén nhang lòng thầm gọi “các em của chị ơi? Tha lỗi cho chị nhé, cầu mong những tâm hồn trong trắng của các em được siêu thoát, có thể chị cũng sẽ đi gặp các em nay mai thôi… nhưng tất cả chúng ta hãy sẵn sàng nằm xuống cho đất nước đứng lên”. Nỗi lo không chỉ thuốc chữa bệnh, mà còn cái đói, khát cho thương binh và cả cán bộ y tế. Bà băng rừng đến các nhà dân ở Sơn Long, Sơn Thạch…vận động xin gạo, mắm, lãnh đạo Quế Sơn cấp lúa, lại phải tự giã lấy gạo… rồi cõng về đơn vị, toàn những việc mà trường y không dạy. Lo từng hạt gạo, từng lá cây thuốc, thế nhưng cực nhất là mỗi khi nghe tin địch càn. Phải sơ tán thương binh vào hang sau “cất, giấu” an toàn.
Rất nhiều lần như thế, nhưng bác sĩ Thu Hà nhớ đời nhất là lần đầu tiên phối hợp với Chính trị viên Như Lâm, Xã đội trưởng Sơn Long sơ tán thương binh. Trong đêm tối, cả trăm thương binh, nhiều người rất nặng phải đưa đi bằng cáng, người nào đi nạng được thì bấu víu, dìu nhau mà lê lết vào các hang đá. Khi bọn địch điên cuồng lùng sục, ông Lâm và y tá Tuấn tìm cách đánh lạc hướng địch ra khu vực khác. Năm 1972, bọn địch kéo quân đến rất đông, vừa la ó trên bộ, trên đầu là máy bay… Bệnh xá chỉ còn lại 7 người, nhưng phải sơ tán 162 thương binh. Được sự chi viện của Huyện ủy Quế Sơn, toàn bộ thương binh được sơ tán vào các hang động cách đó 45 phút đi đường bộ. Riêng chị Xuân bị thương nặng, nên đành phải “giấu” chị trong bụi cây rậm. Các vật dụng, tư trang… mang được bao nhiêu thì mang, hoặc cất giấu kỹ. Mải mê lo việc công, bỗng bà nghe rõ tiếng địch quát, Việt cộng… Bà vọt nhanh vào hang, luồn sâu vào ngách. Không may tuột cái dép cao su gần miệng hang, địch nghi vấn nên chĩa loa vào hang gọi hàng. Liền sau đó chúng thực hiện 3 lần quăng lựu đạn vào trong hang. Một hồi lâu không thấy động tĩnh gì thêm, bằng kinh nghiệm, biết bọn chúng đã cút. Bà chui ra trước lần dò xem địch có gài mìn lại không, may thay do hang sâu, nhiều ngóc ngách, nên thương binh khá an toàn, nhưng mặt mũi thì ám khói lựu đạn. Ra khỏi hang, bà như lao về phía bụi rậm nơi bà Xuân nằm, linh tính mách bảo và sự thật, địch đã sát hại chị Xuân. Trước khi địch rút đi, chúng đã đốt và phá sạch bệnh xá; bà chỉ còn bộ áo quần duy nhất trên người.
Cuốn nhật ký ghi từ thời còn sinh viên y khoa trong trắng... Một mất mát lớn nữa đó là chiếc áo ngực, ngày vào Nam, người mẹ của bà đã cẩn thận ép miếng vàng lá vào bên trong và căn dặn ráng giữ kỷ vật của mẹ, vừa đề phòng bất trắc xảy ra trên đường hành quân vào Nam còn có cái chi tiêu mà sống. Tất cả…đều đã thành tro bụi và bị đich vơ vét.
Cứ như thế, ròng rã 8 năm liền giữa chiến trường ác liệt, 6 năm là Bệnh xá trưởng Quế Sơn, hàng chục lần sơ tán hàng nghìn lượt thương binh lánh nạn an toàn sau các trận càn của địch, chỉ huy đơn vị cứu chữa thương binh… bà cùng các cộng sự như y sĩ Cầm, Ký, Lưu, Hà… cống hiến, vắt kiệt tuổi thanh xuân vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Được nhân dân đùm bọc, chở che, cả huyện Quế Sơn, hơn 50 năm về trước và cả hôm nay, ai nghe và biết bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà đều hết lòng khâm phục. Là một bác sĩ xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ huy, thân hình tuy nhỏ bé mà kiên gan, nhân hậu.
Sau 8 năm ở chiến trường, bà được cấp trên đưa trở lại miền Bắc để ra nước ngoài, tiếp tục đào tạo chuyên sâu phục vụ lâu dài cho đất nước. Năm 1974, gặp lại người mẹ giữa lòng thủ đô Hà Nội, mới biết ở nhà đã từng lập bàn thờ thắp hương cho bà. Suốt nhiều đêm kể không hết chuyện chiến trường cho người mẹ muôn vàn kính yêu nghe và cả hai cùng khóc thật nhiều, rồi bà động viên mẹ “Con gái mẹ về được là may mắn lắm rồi, nhiều người, trong đó có bạn Đặng Thùy Trâm đã vĩnh viễn nằm lại đất mẹ Quảng Ngãi... Bà con miền Nam còn phải tiếp tục hy sinh nhiều lắm mẹ ơi!”
Năm 2015, tôi may mắn được cùng ông bà trở lại thăm Quế Sơn, cứ tay bắt mặt mừng và rưng rưng nước mắt. Bà gặp và nói lời biết ơn từng người dân, cấp ủy, chính quyền sở tại trong thời chiến cũng như trong xây dựng quê hương hôm nay. Mong ước lớn nhất của bà hiện nay là: Huyện ủy Quế Sơn nên xem xét cho xây Bia tưởng niệm, khắc tên các thày thuốc và nhân dân đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước và đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ Ngành Y.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà có chồng là cố Đại tá Vũ Đình Nã - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2BB (Quân khu 5). Hiện nay chính quyền Quảng Nam và người dân huyên Quế Sơn đã hoàn tất hồ sơ đề nghị phong Anh hùng LLVTND cho bác sĩ, thương binh Nguyễn Thị Thu Hà.
Công Thi