Theo kế hoạch, từ ngày 1-7, chính sách cải cách tiền lương dự kiến có hiệu lực. Cùng với việc bỏ mức lương cơ sở công chức, viên chức, lực lượng vũ trang  sẽ được hưởng nhiều chính sách như: Tăng lương 30%, nhận lương theo vị trí việc làm. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, đi kèm với niềm vui tăng lương, thêm thu nhập là nỗi lo lắng của nhiều người lao động, người làm công ăn lương bởi điệp khúc “lương chưa tăng giá đã vội tăng” sẽ làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương, gây khó khăn cho đời sống người dân.

Chia sẻ với PV., chị Dương Thị Bưởi (phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Chồng chị làm công chức nhà nước, bản thân chị là giáo viên tiểu học, mỗi tháng thu nhập của vợ chồng chị chưa đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí ăn uống, tiền điện, nước, tiền học hành cho 2 đứa con rồi tiền đám xá, tiệc tùng đã “ngốn” gần hết tiền lương mỗi tháng. “Đi làm thì ai cũng mong được tăng lương, nhưng quan trọng nhất với công chức, viên chức và người lao động là lương tăng phải giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, lương chưa tăng, giá cả hàng hóa đã tăng, hoặc lương tăng ít mà giá cả tăng nhiều thì tăng lương cũng không có ý nghĩa nhiều…” - chị Dương Thị Bưởi chia sẻ

Cùng suy nghĩ nói trên, anh Hoàng Thanh Tài, ở khu 2, phường Đông Triều, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết: “Lúc nghe thông tin sắp thực hiện cải cách tiền lương, tôi rất mừng, vì nghĩ cuộc sống gia đình, vợ con sẽ được cải thiện. Nhưng, thực tế cứ có thông tin tăng lương là giá cả các loại hàng hóa lại tăng theo; lương tăng không đuổi kịp giá hàng hóa tăng khiến cuộc sống lại thêm phần khó khăn hơn. Tôi mong muốn các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường để bình ổn giá cả hàng hóa, không để tái diễn “té nước theo mưa” và người lao động thực sự có niềm vui trọn vẹn khi được tăng lương”.

Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác thì cần phải có các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường. Cùng với thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá…

Người lao động, người hưởng lương cũng cần thấu suốt quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thực thi chính sách tiền lương, đồng hành với những khó khăn của đất nước, cùng chung tay kiềm chế lạm phát, bình ổn hàng hóa cùng các dịch vụ thiết yếu.

Chỉ khi giá cả hàng hóa được kiểm soát, nói cách khác, chỉ khi hạn chế được tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” thì mục đích của việc tăng lương cho người lao động mới được thực hiện đầy đủ. Bởi lẽ, với người lao động nói chung, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong khu vực công nói riêng, việc tăng lương đi liền với kiểm soát giá cả luôn là cơ sở giúp họ bảo đảm cuộc sống của bản thân, gia đình; từ đó có thể yên tâm gắn bó, cống hiến cho công việc.

Cao Thanh Đông