Khi nghiên cứu những quan điểm cách mạng sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thuộc địa và cách mạng giải phóng dân tộc, phải bắt đầu xem xét từ những quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để thấy được sự bổ sung và phát triển sáng tạo của Người.
Trước hết là về vấn đề dân tộc thuộc địa, khái niệm này chỉ xuất hiện khi chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh, sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Các nước đế quốc cấu kết với nhau xâm lược, cướp bóc, nô dịch các dân tộc nhược tiểu khiến vấn đề dân tộc trở nên gay gắt (bởi sự áp bức dân tộc), từ đó xuất hiện vấn đề dân tộc thuộc địa. Giải quyết vấn đề dân tộc thuộc địa thực chất là tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân tộc, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột thực dân, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước dân tộc độc lập.
Ở thời đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, các ông không đi sâu nghiên cứu, giải quyết vấn đề dân tộc, vì về cơ bản, vấn đề dân tộc ở Tây Âu đã được giải quyết trong cách mạng tư sản; nhất là các ông chưa có điều kiện bàn nhiều về vấn đề dân tộc thuộc địa - như V.I.Lê-nin đã nhận xét - đối với C.Mác, so với vấn đề giai cấp vô sản, thì vấn đề dân tộc chỉ là một vấn đề thứ yếu thôi. Mặc dầu vậy, Mác - Ăng-ghen cũng đã đưa ra những quan điểm lý luận về mối quan hệ dân tộc - giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc; về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa... Trong bản Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã viết: "Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo"
(1); tức là chỉ có thể giải quyết vấn đề giai cấp một cách triệt để thì vấn đề dân tộc mới được giải quyết. Quan điểm đó hoàn toàn đúng với đòi hỏi của cách mạng vô sản ở châu Âu đang đặt ra lúc bấy giờ, nhưng có thể nói, không phù hợp với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Ðến thời V.I.Lê-nin, chủ nghĩa đế quốc đã phát triển thành một hệ thống thế giới, cách mạng giải phóng dân tộc trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản, V.I.Lê-nin có cơ sở thực tiễn để phát triển vấn đề dân tộc thuộc địa và cách mạng thuộc địa thành một hệ thống lý luận. Theo V.I.Lê-nin, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản (ở chính quốc) sẽ không thể giành được thắng lợi, nếu nó không biết liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Từ đó, V.I.Lê-nin đã bổ sung khẩu hiệu của C.Mác và Ph.Ăng-ghen: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại"; thành khẩu hiệu: "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại". Tuy vậy, nhưng trong Tuyên ngôn thành lập quốc tế cộng sản năm 1919, V.I.Lênin đã viết: Công nhân và nông dân không những ở An Nam, Angiêri, Bengan mà cả ở Ba Tư hay Ácmênia chỉ có thể giành được độc lập khi mà công nhân các nước Anh và Pháp lật đổ được Lôiít Gioócgiơ và Clêmăngxô giành chính quyền nhà nước vào tay mình (2). Như vậy, mặc dù C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin khẳng định mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, nhưng các ông đều cho rằng, trong mối quan hệ đó, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của giai cấp công nhân là phải là tiến hành cuộc cách mạng lật đổ giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền. Sau khi lên nắm chính quyền, sẽ trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, hoặc tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa giành thắng lợi. Có nghĩa là, cách mạng vô sản ở chính quốc có vai trò quyết định đến thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.
Đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, là người xuất thân từ một nước thuộc địa, trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin tìm thấy con đường cách mạng giải phóng dân tộc qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin. Mặc dù coi hệ thống lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là "cẩm nang thần kỳ", nhưng từ sự nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn ở các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều vấn đề lý luận các nhà kinh điển đưa ra, chỉ đúng với điều kiện châu Âu, cho nên, cần phải nghiên cứu, bổ sung và phát triển lý luận, vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, phù hợp, không giáo điều, dập khuôn. Người nói: "Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh". "Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi" (3).
Nghiên cứu về sự thay đổi của tình hình cách mạng thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho cách mạng thuộc địa là không phải là làm ngay một cuộc cách mạng vô sản (như các nước tư bản), mà trước hết phải tiến hành đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc; có độc lập dân tộc rồi, mới có điều kiện để giải phóng giai cấp. Theo quan điểm của Người, giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết; giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng giai cấp; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Người, trong mối quan hệ dân tộc - giai cấp, dân tộc là tổng thể, giai cấp là một bộ phận. Do đó, quyền lợi của giai cấp, (tức là quyền lợi của bộ phận) phải phục tùng quyền lợi của dân tộc (bộ phận phục tùng tổng thể). Ðó là những quan điểm lý luận sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thuộc địa.
Thứ hai về mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước tư bản chính quốc. Theo quan điểm của Mác - Ăng-ghen, các dân tộc thuộc địa không thể tự mình làm cách mạng thắng lợi. Quan điểm này còn tồn tại trong Quốc tế Cộng sản đến tận Ðại hội VI, (1928). Thể hiện trong Những luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa: Chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến (4).
Ðối với Hồ Chí Minh, qua nghiên cứu phong trào cách mạng thuộc địa, ngay từ năm 1921, Người đã nhận định: "trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn"(5). Năm 1924, Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, mà có thể giành thắng lợi trước. Hơn nữa, yêu cầu bức thiết của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc không cho phép ỷ lại, ngồi chờ thắng lợi của cách mạng vô sản ở châu Âu để được trả lại nền độc lập cho các dân tộc thuộc địa. Ðây là một quan điểm cách mạng sáng tạo của Hồ Chí Minh, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới. Ðặc biệt, đối với cách mạng Việt Nam, luận điểm cách mạng của Hồ Chí Minh đã được vận dụng một cách chủ động, sáng tạo trong tiến trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, là một minh chứng khẳng định luận điểm của Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng đắn.
Thứ ba về vấn đề lực lượng cách mạng. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng"; phát triển tư tưởng của Mác - Ăng-ghen trong điều kiện mới, V.I.Lê-nin khẳng định: Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiên phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được… (6). Mặc dù đánh giá cao vai trò của quần chúng,"quần chúng là những người làm nên lịch sử", nhưng theo V.I.Lê-nin: "Chỉ có giai cấp vô sản công nghiệp ở thành thị, do đảng cộng sản lãnh đạo, mới có thể giải phóng quần chúng lao động" (7). Phải chăng quan điểm này chỉ đúng với điều kiện của các nước tư bản phát triển, nơi có phong trào công nhân lớn mạnh, mà không đúng với điều kiện ở các nước thuộc địa có nền kinh tế kém phát triển, (chủ yếu là sản xuất nông nghiệp), cơ cấu dân số có tới hơn 90% là nông dân.
Ðối với Quốc tế Cộng sản, quan điểm về vấn đề lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa cũng thể hiện nhiều hạn chế. Trong đó, rõ nhất là một số hạn chế thể hiện trong bản "Ðề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa" được thông qua tại Ðại hội VI (1928). Bản Ðề cương đã quá nhấn mạnh về tính không triệt để cách mạng của giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa; từ đó đề ra nhiệm vụ đặc biệt của các đảng cộng sản là đấu tranh chống lại phong trào dân chủ tư sản trong nước mình (8). Quan điểm "tả khuynh" cứng nhắc, biệt phái, hẹp hòi, đã đẩy giai cấp tư sản dân tộc ở thuộc địa đứng về phe đế quốc, mà lẽ ra các đảng cộng sản có thể tranh thủ được họ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhất là sự đánh giá không đầy đủ về yếu tố dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc bị áp bức, dẫn đến những quan điểm mang tính phiến diện, thậm chí sai lầm về lực lượng cách mạng.
Nhìn nhận từ thực tiễn tình hình lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa (nói chung), ở Việt Nam (nói riêng), Hồ Chí Minh khẳng định, lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc "là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người" (9). Lực lượng tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc là lực lượng toàn dân, trong đó "công nông là gốc cách mệnh"; học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là "bầu bạn cách mệnh của công nông"(10). Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng, tập hợp trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi: sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền.
Lấy "mẫu số chung là lòng yêu nước", lực lượng cách mạng là toàn dân tộc, không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo... đó là tư tưởng bắt nguồn từ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, được Hồ Chí Minh thể hiện bằng một sắc thái mới, tư duy mới trong thời đại mới. Những quan điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về lực lượng cách mạng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tổ chức, tập hợp xây dựng lực lượng, tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi ở Việt Nam. Ðồng thời góp phần chống lại tư tưởng "tả khuynh", hẹp hòi trong Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế; góp phần ngăn chặn sự ảnh hưởng của nó đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
Thứ tư về xây dựng Ðảng Cộng sản ở một nước thuộc địa kém phát triển. Xuất phát từ điều kiện lịch sử, thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại mới (từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga), Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng giải phóng dân tộc (ở Việt Nam), muốn giành thắng lợi triệt để phải do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Người nói: Cách mệnh trước hết "phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Ðảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy" (11). Trong quá trình chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Ðảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp một cách sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thành lập một chính đảng mác-xít ở Việt Nam. Không chỉ là người sáng lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta trở thành: Ðảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Ðảng luôn giương cao ngọn cờ tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thành công trong việc xây dựng Ðảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện thiên tài về trí tuệ, sự mẫu mực trong việc vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh. Ðồng thời là một đóng góp to lớn của Người về lý luận xây dựng đảng cộng sản trên thế giới, làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Những quan điểm của Hồ Chí Minh là thành quả của một tư duy sáng tạo, thể hiện tư tưởng cách mạng và khoa học, được kiểm chứng trong tiến trình đấu tranh cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Tuyệt nhiên đó không phải là sự vay mượn, hay "nhập khẩu cách mạng". Quan điểm của Người thấm đượm khát vọng của nhân dân Việt Nam về độc lập, tự do, công bằng, văn minh, ấm no, hạnh phúc hướng tới mục tiêu phục vụ cho quyền lợi và khát vọng của dân tộc, hòa quyện trong tình yêu giai cấp, yêu nhân loại, đượm tính nhân văn, không có ranh giới quốc gia ngăn cách.
PGS, TS Trần Minh Trưởng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. CTQG - ST, H. 2004, Tập 4, tr.624.
(2) Xem: Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản gửi những người vô sản trên thế giới, (tại Ðại hội thành lập Quốc tế Cộng sản, 3-1919).
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, tập 7, tr.120.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, tập 11, tr.95.
(4) Những luận cương về Nghị quyết Ðại hội VI Quốc tế Cộng sản, Sđd, tr.78-79.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.48.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.251.
(7) Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tập 41, tr.207.
(8) Ðiacốp, Xớckin: Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Sđd, tr.66.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, H.2011, t.2, tr.283, 288.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Sđd, tr.288.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. CTQGST. H.2011, tr.289.