Các cơn đau do bệnh gút thường xuất hiện ở khớp bàn ngón chân, khớp cổ chân, khớp gối, cổ tay, ngón tay...
Bệnh gút là một dạng viêm khớp phổ biến; người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được. Nếu không điều trị, bệnh gút có thể gây những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh gút thường gặp ở nam giới. Nguyên nhân gây bệnh là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút bao gồm: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm, giàu purin (thịt đỏ, nội tạng động vật, cá béo…); thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích; thừa cân, béo phì, lười vận động; tiền sử gia đình có người mắc bệnh gút, hoặc mắc một số bệnh lý như tim mạch, thận…
Biểu hiện của bệnh
Bệnh gút và bệnh khớp có nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, triệu chứng của gút cấp thường tương đối điển hình và có thể nhận biết được. Gút cấp thường biểu hiện ở các khớp chi dưới, nhất là khớp ngón chân cái hoặc viêm ở khớp cổ chân, khớp gối. Ngoài ra, bệnh gút thường được nhận biết qua việc sưng, đỏ; các cơn đau dữ dội, đột ngột. Khi bệnh nhân có những vấn đề về xương khớp, nên tới các cơ sở y tế sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh gút được chia làm nhiều giai đoạn khác nhau:
Gút nguyên phát:Chiếm đa số các trường hợp, chưa rõ nguyên nhân. Thường gặp ở nam giới tuổi trung niên có thói quen uống nhiều rượu bia và ăn nhiều thức ăn chứa purine.
Gút thứ phát:Hậu quả của tăng acid uric máu do những nguyên nhân gây tăng sản xuất acid uric máu, hoặc giảm thải qua thận hoặc cả hai.
Gút bẩm sinh:Là bệnh di truyền do bất thường về gen.
Bệnh gút được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có thể chữa trị ổn định bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh nhân gút cần được điều trị trong thời gian dài.
Cách phòng bệnh gút
Trong các phương pháp điều trị bệnh gút, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Chế độ ăn không khoa học như những bữa ăn kéo dài, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Không những vậy còn tăng nguy cơ tái phát bệnh gút và làm nặng lên rất nhiều. Chế độ ăn là một trong những yếu tố dự phòng và điều trị bệnh gút.
Bệnh nhân gút nên ăn các loại thịt có màu trắng ít purin như cá nạc, lườn gà, thịt lợn. Nên ăn nhiều loại rau củ quả như anh đào, dâu tây, cải bẹ xanh, cam, dưa chuột, súp lơ, cải bắp, cải xanh... Các loại rau củ này có tính chất kiềm sẽ làm trung hòa lượng axit uric thừa do bệnh gút thải ra một cách an toàn.
Nên dùng dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng để giảm bớt lượng chất béo. Sử dụng các món hấp luộc, hạn chế đồ chiên xào. Mỗi ngày uống từ 2-3 lít nước/ngày. Lưu ý, chia đều thời gian trong ngày để cơ thể có thể đào thải tự nhiên lượng axit thừa qua đường tiết niệu, với người già hạn chế uống nước trước khi đi ngủ. Không nên kiêng kị một cách tuyệt đối.
Để bệnh không tái phát, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu ổn định thì bỏ điều trị hoặc tiếp tục ăn uống như bình thường. Đây là điều tuyệt đối không nên. Bởi đó cũng là nguyên nhân làm cho bệnh gút tái phát và tiến triển nặng. Người bệnh cần có chế độ luyện tập thường xuyên để duy trì khả năng vận động của cơ xương khớp.
Thành An