Mẹ tôi kể rằng, ngày ấy, lúc tôi cất tiếng khóc chào đời, cha chia tay gia đình, làng mạc lên đường vào miền Nam đánh giặc. Từ khi tôi chập chững biết đi, đến khi tôi đã là cậu bé lớp bốn, cha mới trở về trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Cha gặp lại mẹ trong cái ôm thật chặt.

Hành trang của cha là chiếc ba lô con cóc đựng vài bộ quần áo cũ, đôi dép cao su, chiếc bát ăn cơm và cả chiếc khăn mùi xoa thêu đôi bồ câu bằng sợi chỉ đỏ. Đặc biệt, cuốn “Nhật ký chiến trường” nho nhỏ, ố nhoèn trang giấy được cha nâng niu, trân trọng bỏ túi áo ngực.

Những hôm trời mưa liên miên, như đánh thức cả màn đêm. Cha bảo mưa chi mà giống mưa rừng. Những ngày hành quân chiến đấu, cánh rừng già thả những trận mưa xối xả, mưa như trút cả nghìn viên đạn xuống lòng đất để rồi tan biến, thấm sâu, gom từng dòng chảy cuộn trào về phía hạ nguồn thung lũng. Mưa có điều gì đó luôn lặng lẽ khiến lòng người chùng xuống; cha tôi lại mang cuốn “Nhật ký chiến trường” cũ mèm ra ngắm nghía, lật giở từng trang ôn lại ký ức xưa. Mỗi lần thấy cha làm như vậy, mấy anh em chúng tôi cứ quan sát, bàn tán cùng nhau.

Với sự hiếu kỳ của tuổi thơ, thi thoảng cha đi đâu vắng nhà là chúng tôi lại lén mở tủ lấy cuốn nhật ký và thì thào đọc. Sự tò mò của trẻ con luôn kích thích chúng tôi dù cha luôn coi cuốn nhật ký là điều gì đó thật bí mật. Nhưng, có lần mẹ tôi bảo cha: “Cuốn nhật ký chưa bị rách thì anh cho các con đọc, anh cứ giữ khư khư làm gì. Chúng nó đọc mới thấu hiểu những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, để sống sao cho xứng đáng, anh ạ!”. Lúc đầu, cha không đồng ý, bởi cha sợ những trang giấy cũ mèm liệu có rách nát dưới bàn tay tinh nghịch của chúng tôi? Nhưng về sau, nghĩ ngẫm thế nào, chính cha lại mang cuốn nhật ký đưa cho chúng tôi đọc.

Đó là những nét chữ nắn nót của cha, viết về những ngày cùng đồng đội tham gia trận chiến. Bom đạn ác liệt là thế, nhưng người lính còn phải chiến đấu với cả nhiều điều khủng khiếp chẳng kém gì. Những trận sốt rét, cha nhường phần thuốc còn thiếu cho đồng đội. Người cha rét run khi quấn bao nhiêu chiếc chăn cũng không thấy đủ ấm. Đã có lúc cha nghĩ chắc ngủ nốt đêm nay, ngày mai cha không thức dậy nữa. Vậy mà sáng ngày hôm sau, khi cơn mưa rừng vừa tạnh, cha tỉnh dậy như một phép màu. Người cha bớt đau, bát cháo hoa anh nuôi nấu vội, ăn trộn với canh rau rừng khiến cha dần khỏe lại. Ba lôtrên lưng, khẩu súng trên vai, cha lại cũng đồng đội hành quân và chiến đấu.

Có những ngày, trăng mọc cô đơn trên nền trời thăm thẳm. Ánh trăng tròn vạnh vạnh như thủ thỉ nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Cha viết vào trang nhật ký: “Mùa này chắc mẹ và vợ ở nhà đang gặt hái. Lúa vụ mùa không biết có bội thu? Bao lá thư con gửi về nhà chưa thấy hồi âm, chắc tại đường sá xa xôi, bon đạn, nghìn trùng xa cách. Ở hai đầu nỗi nhớ, vầng trăng như gánh cả tâm sự của người tiền tuyến và người hậu phương. Kể sao cho xiết nỗi lòng, thương sao cho hết nỗi bòng bong nhớ nhà. Ngày chiến đấu còn xa, ngày hòa bình còn dài, ai biết đếm đo và tính năm tính tháng. Nhưng muốn hòa bình, chúng con càng phải quyết tâm chiến đấu…”. Chúng tôi lật từng trang nhật ký, hình ảnh cha và các đồng đội chiến đấu cứ ngồn ngộn tái hiện về như thước phim quay chậm. Lịch sử chẳng ở đâu xa xôi, ở ngay trong chính những nét bút của cha tôi, đang gửi gắm trong từng nét thanh, nét đậm. Đọc hết cuốn rồi mà lòng chúng tôi còn bao thổn thức; mẹ cũng vui hơn khi con cái hiểu được những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt của cha, để trân trọng hòa bình trong hiện tại.

Cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, trên giá sách của chúng tôi đã có những cuốn sách rất đẹp, đắt tiền. Nhưng cuốn nhật ký của cha vẫn được anh em chúng tôi coi như báu vật trong nhà và đặt ở một nơi trang trọng nhất trong giá sách. Có những cuốn sách tái bản nhiều lần, nhưng cuốn nhật ký của cha tôi chẳng tiền nào mua được. Bởi sức nặng của nó được đong đếm bằng những bom đạn, mưa giông, bằng những cơn mưa rừng chảy xiết và cả những trận sốt rét hay cả những hy sinh mất mát của đồng đội nằm lại dưới đất mềm.

Chiến tranh khói lửa chẳng quật ngã cha tôi, vậy mà cơn đau trong lồng ngực lại mang ông đi đến miền xa lắc. Cuốn “Nhật ký chiến trường” vẫn nằm trên giá sách như gợi nhắc một thời cha đã sống, chiến đấu gian lao. Tôi lớn lên, nối tiếp con đường cha đi, tôi vào quân ngũ. Mỗi khi có dịp trở về ngôi nhà ngói đơn sơ, lật giở những kỷ niệm về cha, lòng tôi bồi hồi, khôn nguôi xúc động.

Mai Hoàng Hanh