Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, thuật lại trên bản đồ về trận đánh vào làng Tích tường và Đồi chè đêm 26 rạng sáng 27/01/1973 do ông Chỉ huy trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, (E95, F325). Trận đánh tiêu diệt,làm thiệt hại đại đội Dù (VNCH) và bắt làm tù binh 1 trung đội Thám báo. Chiến công của trận đánh có công đóng góp của Tiểu đội nữ Du kích xã Triệu Thượng, (huyện Triệu Phong) giúp dẫn đường tiểu đoàn luồn lách qua địa hình có địch trong đêm, kịp thời gian cho đơn vị triển khai đội hình chiếm lĩnh trận đia.
Ông Hùng cảm động dừng lại hồi lâu, rơm rớm nước mắt khi nhắc đến nữ du kích tên Thu. Lúc Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 5 đang hội ý sau trận đánh thì nữ du kích Thu nói: xin phép anh Hùng cho em đến dựng lại cột của lá cờ của ta bị nghiêng trong vườn nhà em đó (bộ đội ta cắm phận định ranh giới tạm thời sau Hiệp định Paris ký kết). Ông Hùng chưa kịp trả lời thì nữ du kích Thu vụt chạy về phía cột cờ bước lại để dựng lên cho thẳng đứng, một tiếng nổ làm nữ du kích ngả xoài ngay chân cột cờ. Biết chuyện chẳng lành, ông Hùng điều các chiến sĩ Trinh sát đến kiểm tra, được biết cột cờ bị nghiêng là do quân địch tạo nên và gài mìn vướng nổ dưới đó. Hội ý công việc tạm dừng. Ông Hùng chạy đến, không cầm được nước mắt khi thấy Thu nằm trên vũng máu, nghẹn ngào nói: “Đơn vị chưa kịp có lời cảm ơn các nữ du kích giúp dẫn đường tiểu đoàn, trong đó có Thu...”. Ông Hùng bế trên tay nữ du kích đi trên quãng đường dài đến giao cho lực lượng đưa về tuyến sau tổ chức mai táng chu đáo.
Từ câu chuyện cảm động của ông Hùng kể, nhắc tôi nhớ lại câu chuyện về một nữ du kích làm công tác cấp cứu thương binh trong Thành Cổ. Một đêm cuối tháng 8 năm 1972, khi tôi và đồng đội Hoàng (quê Hải Phòng) sau khi vượt sông Thạch Hãn trên đường vào Thành Cổ làm nhiệm vụ thì bị pháo kích địch bắn đến cấp tập, chúng tôi lao mình vào bờ tường đổ để trú ẩn. Cùng sau đó một nữ du kích cùng chạy đến, bên hông mang túi thuốc Quân y, đầu đội mũ tai bèo.
Dưới ánh đèn dù pháo sáng của địch, rọi sáng cả khu vực, trong đó có cả khuôn mặt đẹp từng trải của nữ du kích. Anh Hoàng nói vui, “có về làm vợ quê anh Hải Phong không ?”, tôi thêm vào: “ quê Choa, nơi đó đẹp hơn Hải Phòng”. Nữ du kích tủm tỉm cười, đưa tay tát nhẹ vào má tôi và nói: “Chú em, nhiệm vụ đang phía trước” và chị vụt chạy như một con sóc thấp thoáng dưới ánh đèn dù pháo sáng. Khi cách khoảng 40 mét, chúng tôi thấy nữ du kích lảo đảo, ngã về phía trước. Tôi nói với anh Hoàng, chị du kích bị thương rồi. Hai chúng tôi chạy đến, tôi ôm chị lên dựa vào người, nói với anh Hoàng lấy băng cứu thương băng bó cho chị. Chi nhìn tôi và nói: “xin lỗi em, em bỏ qua cái tát đó của chị...và mặt chị sệ sang một bên, 2 tay buông thỏng”. Tôi cõng chị chạy nhanh về bờ Nam sông Thạch Hãn, anh Hoàng dùng cuộn băng ấn vào vết thương trên ngực của chị, nhưng máu vẫn chảy nhiều thấm đẫm lưng áo tôi. Đến bờ sông, trao chị cho bộ đội làm nhiệm vụ chuyển thương binh bằng xuồng Cao Su về tuyến sau cấp cứu. Hai chúng tôi quay vào Thành Cổ tiếp tục với công việc dìu cõng, cáng thương binh ra bến vượt...
Dịp 27/7/2017, tôi đến Hội CCB tỉnh Quảng Trị liên hệ tác nghiệp, viết bài. Sau đó tôi gặp ông Nguyễn Chim, nguyên Trung đội trưởng - Trung đôi du kích xã Triệu Thượng, được nghe ông kể câu chuyện cảm động: cõng nữ du kích bị thương nặng. Sau khi cùng bộ đội cắm cờ phân định ranh giới tạm thời giữa ta và địch sau Hiệp định Paris kí kết vào rạng sáng 27/01/1973. Ông Chim và nữ du kích về lại đơn vị. Trên đường đi, nữ du kích Phan Thị Hòa dậm vào mìn vướng nổ làm bể ống chân trái. Lấy cuộn băng cứu thương băng bó cho chị Hòa, ông Chim quan sát xung quanh, nhưng không có ai để nhờ giúp đỡ. Không còn cách nào khác, ông Chim cõng nữ du kích lội qua cánh đồng ngập nước xã Triệu Tài. Lên bờ, vất vã, mệt, đói lã người, ông Chim đặt nữ du kích nghỉ tạm để lấy sức đi tiếp.
Bình minh hửng sáng, một Sĩ quan và một chiến sĩ Quân Giải phóng đi đến. Biết chuyện, người chiến sĩ vội lấy bi đông nước của mình đưa cho ông Chim và nữ du kích uống. Người sĩ quan kiểm tra vết thương nữ du kích thấy máu chảy nhiều, liền cử chiến sĩ chạy tìm có đơn vị bộ đội nào gần đây nhờ giúp đỡ. Rất may, có một chiến sĩ Quân y cùng đi đến băng bó vết thương và cõng nữ du kích về tuyến sau cấp cứu. Người sĩ quan, sau khi trao cho ông Chim phong Lương khô 701 và tạm biệt theo nhiệm vụ của mình, đó là ông Đinh Thế Huynh.
Giúp sức làm nên chiến thắng trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 - 1973 đều có công sức đóng góp, kể cả xương máu của lực lượng du kích địa phương, trong đó chiếm số đông là nữ. Chúng tôi, Quân Giải phóng cùng chung chiến hào chiến đấu năm xưa với lời chân thành cảm ơn và chia sẽ nỗi đau thương mất mát của các thương binh, gia đình liệt sĩ, và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ trong lực lượng du kích huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Bài và ảnh: Nhân Mùi