Một cảnh trong phim “Hậu duệ mặt trời”
Với kịch bản như vậy, người xem hy vọng phim "Hậu duệ Mặt trời" ("HDMT") có thể là tác phẩm truyền hình phản ánh chân thực, quảng bá cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tham gia một nhiệm vụ hết sức cao cả: Gìn giữ hòa bình. Nhưng, với 12 tập phim được trình chiếu trên sóng truyền hình VTC, người xem đã từ hy vọng đến thất vọng. Đặc biệt, nhiều CCB còn quá bức xúc cho rằng, chừng mực nào đó, phim đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh QĐND Việt Nam, làm méo mó hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Không bàn tới những hình ảnh được cho là bất chấp luật lệ quốc tế, chủ quyền quốc gia, như: Trên lãnh hải Việt Nam mà tàu của quốc gia khác tự do vào hoạt động, can thiệp...; trên đảo Hải Phong (của Việt Nam) nhưng nhóm vệ sĩ của một tài phiệt nước ngoài ngang nhiên mang súng ống sẵn sàng tấn công nhóm quân nhân và y, bác sĩ Việt Nam...; sự thất vọng của bài viết này chỉ đề cập đến sai sót kiến thức cơ bản về quân sự, về QĐND Việt Nam trên "HDMT". Những sai sót biểu hiện ở lễ tiết tác phong, quân phục sai với Điều lệnh, quy định của Quân đội; hình ảnh quân nhân lên phim chưa sát với thực tế huấn luyện, chiến đấu... của QĐND Việt Nam.

  • Về Điều lệnh, những động tác: Nghiêm, nghỉ, chào, báo cáo... của quân nhân được đạo diễn bê luôn Điều lệnh Quân đội Hàn Quốc (dạng chân, ưỡn ngực, chắp tay sau mông...). Hình ảnh người sĩ quan cột súng ngắn vào đùi xuất hiện đầu mỗi tập phim và nhiều phân cảnh khác, hoàn toàn xa lạ với quân nhân trong Quân đội ta, nếu không nói là cực kỳ phản cảm...; như "găng-tơ", hay sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước ngày 30-4-1975...
  • Trang phục của các quân nhân cũng sử dụng hết sức tùy tiện. Cùng trong một phòng họp, dưới sự điều hành của một Chuẩn đô đốc Hải quân; nhưng người thì bận quân phục đông, người thì bận quân phục hè...
  • Phân cảnh tấn công cướp biển, giải cứu con tin (tập 1, tập 3), các chiến sĩ Cảnh sát biển bôi mặt ngụy trang, nhưng quân hàm, quân hiệu đầy đủ, sáng ngời. Ở tập 4, các chiến sĩ "đặc công" phát hiện quả mìn chống tăng TM-57, rồi nói với nhau quả mìn này rất nguy hiểm, sát thương trong bán kính 3m... thể hiện dựng cảnh quá sơ sài, cẩu thả, thậm chí không hiểu gì về kiến thức quân sự.
  • Hệ thống quân hàm, quân hiệu, cấp bậc trong Quân đội được dùng quá tùy tiện: Nhân vật Phan Minh mang quân hàm Chuẩn đô đốc hải quân (tương đương Thiếu tướng), nhưng trong giao dịch và truyền lệnh cho cấp dưới (tập 9) lại xưng "Tôi - Đô đốc Minh..."; ký Quyết định điều động quân nhân và người khác báo cáo ông cũng là "Đô đốc" (tương đương Thượng tướng); Đội phó NH1 - Hồng Thái đeo quân hàm Thiếu tá, nhưng lại được gọi là Trung tá (tập 10)...
  • Hình ảnh những "quân nhân" xuất hiện với trang phục đẹp; quân hàm, quân hiệu đầy đủ, nhưng trên khuôn mặt lúc nào cũng dán một cặp kính màu to bự; rồi cảnh những quân nhân QĐND Việt Nam vào sinh hoạt tại quán bia, quán ba... là những hình ảnh gây mất thiện cảm của khán giả đối với hình ảnh thân quen Bộ đội Cụ Hồ...
    Ở mỗi một tập phim, người xem đều thấy nhà làm phim cảm ơn một số cơ quan đơn vị trong và ngoài Quân đội đã giúp họ hoàn thành nội dung bộ phim. Nhưng gần đây, trước phản ứng gay gắt của dư luận, trong buổi họp báo quý III của Bộ Quốc phòng, đại diện Cục Tuyên huấn TCCT cho biết Bộ Quốc phòng không tham gia cố vấn quân sự, không thẩm định duyệt phim "HDMT" phiên bản Việt và đề nghị nhà làm phim chỉnh sửa những sai sót trước khi phát những tập tiếp theo.
    Vẫn biết các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng không tham gia cố vấn quân sự, không thẩm định duyệt phim và bối cảnh phim được cho là không quay ở doanh trại quân đội; nhưng hình ảnh máy bay trực thăng Mi mang Quân hiệu và biển hiệu "Không quân Việt Nam", xe quân sự mang biển số QH.47-99 xuất hiện ở mỗi một tập phim; rồi biển hiệu "Doanh trại QĐND Việt Nam"(ảnh) trong một phân cảnh ở tập 9... thực sự gây không ít băn khoăn cho người xem!
    Vẫn biết phim "HDMT" là một sản phẩm nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật sẽ có những yếu tố mang tính chất hư cấu. Nhưng dù hư cấu thế nào vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, đó là không được để người xem, nhất là người xem nước ngoài (khi phim chuyển thể từ kịch bản ngoại) hiểu méo mó, sai lạc hình ảnh quân nhân, QĐND Việt Nam.
    Sự bàng quan, tắc trách của những cơ quan, đơn vị có liên quan; sự thiếu hiểu biết về kiến thức quân sự, thậm chí là cẩu thả trong thể hiện hình ảnh về Quân đội... của nhà làm phim, đã bỏ lỡ cơ hội có được một bộ phim đem lại cái nhìn tốt đẹp, sâu sắc về người chiến sĩ QĐND Việt Nam đang thực thi một sứ mệnh cao cả "Gìn giữ hòa bình" trong thời kỳ mới. Hơn thế, sự cẩu thả, sao chép máy móc... của người làm phim; thiếu tư vấn, thẩm định của các cơ quan chuyên môn có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có về hình hình ảnh cao quý của QĐND Việt Nam.
    Dù sao đi nữa, phim "HDMT" phiên bản Việt mới đi chưa được nửa chặng đường. Bộ Quốc phòng đã yêu cầu nhà làm phim sửa chữa những sai sót. Hy vọng phản ứng từ dư luận và khán giả; sự vào cuộc của cơ quan chức năng là áp lực, động lực để nhà sản xuất chỉnh sửa những sai sót, để bộ phim không tiếp tục làm người xem thất vọng.
    Duy Tường