Khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tháng tuổi ở tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài. Gia đình bệnh nhi cho biết, bé bị viêm loét miệng, bà nội mua thuốc cam gia truyền về bôi và uống. Sau 7 ngày dùng, bé nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu rất cao.

Bác sĩ Đinh Thị Hồng - Khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn tổn thương gan, thiếu máu. Bệnh nhi được điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu. Bé không còn nguy hiểm đến tính mạng, song có thể gặp những di chứng mà ngộ độc chì để lại. Hiện, chưa thể xác định được tình trạng sắp tới do bệnh nhi còn quá nhỏ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động, IQ.

Từ đầu năm đến nay, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Phần lớn, ngộ độc chì ở trẻ em đều liên quan đến sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng...

Các bác sĩ khuyến cáo, chì là chất rất độc hại cho sức khỏe gây tổn thương trên nhiều cơ quan như thần kinh, huyết học, gan, thận, dạ dày, đường ruột, tim mạch... Khi xâm nhập cơ thể, chì được hấp thu vào máu, từ đó phân tán vào các mô trong cơ thể đặc biệt là xương sau đó giải phóng từ từ vào máu gây ngộ độc kéo dài.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo: Để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các phụ huynh không nên tự ý mua, sử dụng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc và không có giấy phép kinh doanh.

Minh Vũ