Lê Thiệu Huy sinh tháng 3 năm Tân Dậu (1921) là con trai cả của Giáo sư Lê Thước - một nhà nho yêu nước, một học giả uyên thâm cả Hán học và Tây học, nguyên quán ở làng Lạc Thiện, tổng Văn Lâm, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Sinh ra trong một gia đình gia giáo, một vùng quê nổi tiếng hiếu học, từ nhỏ Lê Thiệu Huy đã hun đúc cho mình ý chí, nghị lực, một trí tuệ siêu việt, năm 1931 đỗ Sơ học yếu lược theo cha ra Hà Nội học Trường trung học Anbexaro nổi tiếng xứ Đông Dương, Huy học rất giỏi, học 2 năm 3 lớp. Năm 1938 đỗ tú tài toàn phần (PTTH hiện nay), đỗ thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi môn Toán toàn nước Pháp và các xứ thuộc địa của Pháp khi ấy, 6 năm sau (1944) Lê Thiệu Huy tốt nghiệp xuất sắc, đỗ ba bằng cử nhân (đại học) tại Trường đại học Đông Dương.
Đầu năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Lê Thiệu Huy vào Huế dạy ở Trường Quốc học và học tại Trường Võ bị do Đoàn Thanh niên tiền tuyến tổ chức, tham gia khởi nghĩa dành chính quyền ở Thừa Thiên – Huế ngày 23-8-1945.
Do rất giỏi về ngoại ngữ, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Thiệu Huy được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam DCCH điều ra Hà Nội làm thư ký riêng giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc trách việc liên lạc giữa Chính phủ ta và phái đoàn Anh – Mỹ đang ở Hà Nội.
Lê Thiệu Huy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao khi ấy dù đã diễn ra ngày càng phức tạp, Chính phủ rất hài lòng.
Thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương, chiến tranh lại diễn ra ở cả 3 nước Việt – Lào – Miên. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, Chính phủ ta tổ chức lực lượng võ trang giúp nước bạn Lào kháng chiến chống Pháp. Từ tài năng và bản lĩnh cách mạng của mình, người thanh niên trí thức họ Lê đã được cử làm nhiệm vụ quốc tế đặc biệt tại nước bạn Lào, với cương vị “Tham mưu trưởng Liên quân Việt – Lào”, cùng kể vai sát cánh chiến đấu với Bộ Tư lệnh quân đội Pa-thét Lào, do Hoàng thân Xuphanuvông đứng đầu.
Sau khi chỉ huy Liên quân Việt – Lào đập tan cuộc hành binh đột xuất của Pháp, chiếm được cứ điểm Mường Phìn (đường 9 Nam Lào), Lê Thiệu Huy cùng Hoàng thân Xuphanuvông rút về triển khai lực lượng chiến đấu bảo vệ thị xã Thà Khẹt (Trung Lào) để chiến đấu lâu dài.
Ngày 21-3-1946, quân Pháp ồ ạt tấn công quyết chiếm lại Thà Khẹt, Hoàng thân Xuphanuvông và Lê Thiệu Huy chỉ huy Liên quân Việt – Lào dũng cảm, kiên cường, chiến đấu với giặc đến cùng. Song do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, nên liên quân Việt – Lào phải rút lui bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài.
Theo chỉ đạo của Hoàng Thân và Tham mưu trưởng liên quân Lê Thiệu Huy, các cán bộ và chiến sĩ tùy tùng sẽ tạm tránh sang đất Thái Lan bằng thuyền vượt sông Mê Kông đang mùa nước cạn, nhưng vẫn bị quân Pháp rượt đuổi dữ dội bắn vào đoàn thuyền vượt sông.
Trong giây phút vô cùng nguy cấp, Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình “che đạn” cho Hoàng thân Xuphanuvông và anh dũng hy sinh sau lưng của Hoàng thân, trong vòng tay thương tiếc của Ngài và các chiến hữu trong cuộc hành quân lịch sử này.
5 năm sau khi Lê Thiệu Huy hy sinh, trong bức thư gửi giáo sư Lê Thước - thân phụ của Lê Thiệu Huy, Hoàng thân Xuphanuvông đã viết: “Anh Lê Thiệu Huy – người con yêu quý nhất của Ngài mất đi, không những gia đình quyền quý mất đi một người con yêu quý, mà nước Việt Nam và nhân dân Lào chúng tôi mất đi một chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý... Tinh thần hi sinh cao cả đó đã nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho dân tộc Lào luôn bền bỉ chiến đấu để tiêu diệt đế quốc xâm lăng và giành độc lập thực sự cho đất nước, ngày 21-3, ngày kỷ niệm sự hy sinh anh dũng của anh Huy là Ngày căm hờn với kẻ thù của toàn thể nhân dân Lào và riêng gia đình Ngài”.
Sau khi đình chiến 1954, Hoàng thân Xuphanuvông đã tìm đến gia đình liệt sĩ Lê Thiệu Huy trong chuyến thăm Việt Nam để tạ ơn người cứu mình. Chính phủ Lào đã truy tặng Lê Thiệu Huy tấm Huân chương Itxala và tổ chức tuyên dương công trạng của Lê Thiệu Huy với nhân dân và cách mạng Lào khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả của Nhà nước Việt Nam giao cho.
Sự hy sinh của liệt sĩ – Anh hùng LLVTND Lê Thiệu Huy góp phần vun đắp, nuôi dưỡng tình hữu nghị Việt Nam – Lào mãi mãi thắm tươi, đời đời bền vững.
Lương Thiện Nhân