Trần Ngọc Sơn sinh ngày 27-7-1953 tại xã Vĩnh Thành (Yên Thành, Nghệ An), giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.
Chiến tranh chống Mỹ lan ra trên hai miền Nam - Bắc. Bao lớp trai trẻ lên đường vào chiến trường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1969, đang học lớp 9/10 (nay là 11/12) Trường cấp 3 Yên Thành 1, chưa đủ tuổi nhập ngũ, Trần Ngọc Sơn đã khai thêm tuổi để cùng các đàn anh đứng vào đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Mẹ Sơn khóc hết nước mắt, nghĩ khôn, nghĩ dại: “Nhà chỉ có một mụn con trai, vào chiến trường bom rơi, đạn lạc, lỡ như…”. Nhưng hai cha con đã quyết rồi, bà chỉ biết lặng thinh nuốt nước mắt vào trong. Cầm trên tay Giấy báo nhập ngũ, Sơn tạm gác công việc học tập, tạm biệt mái trường thân thương, thầy cô, bạn bè… hăm hở lên đường với quyển sổ lưu bút dày đặc lời động viên, khuyến khích của các bạn, nhắc nhở cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, hẹn hết giặc lại về tiếp tục sách vở bút nghiên.
Vào chiến trường B5 “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, rồi vào Thành cổ Quảng Trị, nơi mà mỗi tấc đất ngọn cỏ đều thấm đẫm máu của biết bao đồng đội. Chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, dưới làn mưa bom bão đạn, đã mấy lần Sơn bị thương vào vai, đùi, đầu gối. Lần nặng nhất bị thương ở ngực, máu phun ra có lẫn nhiều bọt, đồng đội rất lo lắng cho tính mạng của Sơn. Ông Trần Duy Tá là đồng đội, đồng hương, ôm chặt bạn nói trong nước mắt “Chắc là bị thương vào phổi rồi”. Đơn vị khẩn trương đưa Sơn ra tuyến sau điều trị, rồi ra Bắc điều dưỡng.
Sau đợt điều dưỡng tại Đoàn 200 ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) không đủ sức khỏe trở lại đơn vị và thể theo nguyện vọng, Sơn được trở về hậu phương tiếp tục ước mơ cháy bỏng, học tiếp lớp cuối cấp 3 và thi vào đại học. Sơn trúng tuyển vào Khoa Hóa - Đại học Sư phạm Vinh.
Vào trường, Sơn là Bí thư chi đoàn Lớp Hóa 15, luôn nêu cao tấm gương Bộ đội Cụ Hồ. Hoàn thành tốt chương trình đại học, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá cùng thẻ thương binh, Trần Ngọc Sơn được về huyện nhà giảng dạy (Trường PTTH Phan Thúc Trực bây giờ). Trong 9 năm làm Bí thư đoàn trường, có biết bao nhiêu thế hệ học sinh, nhất là những học sinh cá biệt rất ngưỡng mộ, yêu mến thầy vì thầy nghiêm khắc, tâm huyết trên bục giảng lại vừa cảm thông, gần gũi, tâm tình khi sinh hoạt ngoại khóa.
Nhiều lần thầy trò đi hội diễn văn nghệ ở huyện, ở tỉnh. Một kỷ niệm còn đọng mãi trong ký ức lớp trẻ lúc bấy giờ, đó là lần tham gia Hội thi “Tiếng hát giáo viên” do Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức. Ngày mai thầy dự thi hát đơn ca, nhưng sáng nay cổ thầy khản đặc, học sinh cùng nhau đi tìm quả đu đủ xanh để thầy ăn lấy giọng và hội thi năm đó, thầy đoạt “Giải nhì đơn ca” với ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”.
Năm 1989, tiến hành cải cách giáo dục, ở cấp 2 có thêm lớp 9, chương trình cao hơn, rộng hơn; còn cấp 3 “Trường co lớp giảm”. Sơn cùng một số giáo viên khác xung phong về cấp 2 xã nhà. Sơn về dạy môn hóa học, rồi 10 năm làm Phó hiệu trưởng và 13 năm làm Hiệu trưởng, đồng thời là Ủy viên Công đoàn giáo dục huyện Yên Thành. Trong thời gian về công tác tại địa phương, Sơn góp phần đáng kể đưa phong trào giáo dục xã nhà khởi sắc với những thành tích nổi bật. Trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi và học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, thi văn nghệ thể thao…, Trường đều đoạt giải cao. Quê hương vẫn còn nhiều gia đình nghèo khó, Sơn tìm được nhà tài trợ, đó là vợ chồng ông Trần Duy Bổng, bà Kiều Nga gốc ở Vĩnh Thành công tác ở T.P Hồ Chí Minh, mỗi năm tặng 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Sơn còn tổ chức cho học sinh thường xuyên làm sạch, đẹp nhà tưởng niệm nơi Bác Hồ về thăm nhà trẻ năm xưa. Và đài tưởng niệm liệt sĩ xã... Trần Ngọc Sơn đã nhiều lần được tặng Bằng khen của Công đoàn giáo dục tỉnh Nghệ An và Công đoàn giáo dục Việt Nam.
Năm 2009, phát động tìm hiểu lịch sử Trường cấp 2 Vĩnh Thành, Sơn tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập trường, xuất bản 600 cuốn kỷ yếu “50 năm thành lập Trường THCS Vĩnh Thành”, biếu tặng các cựu giáo chức và cựu học sinh.
Năm 2013, Trần Ngọc Sơn về nghỉ hưu; sáng chiều đi bộ, tối sinh hoạt cùng CCB. Tuổi đã cao, vết thương chiến tranh vẫn luôn hành hạ, song ông vẫn yêu đời, vui vẻ tích cực tham gia các hoạt động trong các tổ chức xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng làng xóm ngày càng đổi mới, xứng đáng quê hương được Bác Hồ kính yêu về thăm. Năm 1991, xã được Đảng, Nhà nước phong tặng “Anh hùng LLVTND” và năm 2015 đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Có rất nhiều anh hùng, liệt sĩ đã được ghi danh vào trang sử hào hùng của dân tộc. Còn CCB, thầy giáo Trần Ngọc Sơn - một người lính Cụ Hồ bình dị, một thương binh hạng 2/4, một nhà giáo âm thầm, miệt mài với những “chuyến đò” tri thức, lặng thầm cống hiến, lặng thầm hy sinh, không sử sách nào ghi danh, nhưng con cháu, bạn bè, đồng đội và biết bao thế hệ học sinh tri ân, khắc ghi: “Sâu nặng ân tình” của người cha, người ông đáng kính, người thầy giáo thương binh suốt một thời “tận hiến”.
Bài và ảnh: Trần Xuân Kình