Việc Bắc Kinh yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô ngay sau khi lãnh sự quán của Trung Quốc tại Houston, Texas phải đóng cửa trong tuần qua, đã thực sự đẩy quan hệ Mỹ - Trung tới bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh.

Trong các chiến lược mà Mỹ thường áp dụng, có mô hình DIME - viết tắt của ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế. Thường thì Mỹ chỉ dùng một đến hai thế mạnh trong bốn công cụ này để khiến các nước khác phải nhượng bộ. Nhưng một khi Mỹ đã huy động đòn tổng lực, tức là đồng thời tung bốn đòn vào một đối thủ, đó sẽ là điều đáng lo, nhất là khi đối thủ đó lại là Trung Quốc.

Trước đây, nói về quan hệ Mỹ - Trung, người ta thường dùng từ cạnh tranh, nhưng khi các biện pháp ngoại giao, cạnh tranh lành mạnh không còn được nhắc tới thì đó chỉ là chiến tranh lạnh.

Trên mặt trận ngoại giao, Mỹ đã lần đầu tiên đưa ra lập trường của mình ở Biển Đông, công khai phản đối gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này; đồng minh của Mỹ là Australia cũng hưởng ứng khi gửi công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiếp đó, Mỹ bất ngờ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston vì cho đây là 1 trong số 25 cơ sở gián điệp của Trung Quốc trên đất Mỹ. Tòa lãnh sự này của Trung Quốc đã phải đóng cửa và một người Trung Quốc có tên Juan Tang đã bị bắt giữ chờ ngày xét xử.

Đóng cửa một lãnh sự quán của một quốc gia khác là chuyện rất dễ, nhưng để mở lại thì không đơn giản chút nào. Nếu “trò chơi” đóng cửa sứ quán tiếp diễn có nghĩa quan hệ Trung - Mỹ đang dần đóng băng.

Thông tin cũng là một mặt trận mà Washington và Bắc Kinh đấu nhau quyết liệt. Mỹ đã chủ động hạn chế hoạt động báo chí của Trung Quốc ở Mỹ, Tổng thống Mỹ - Donald Trump cũng không vô tình khi gọi virus Sars-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 là “virus Vũ Hán” hay “virus Trung Quốc”… và quan trọng hơn, những hạ tầng thông tin hiện đại trong tương lai như mạng 5G đã không còn là thế mạnh của Trung Quốc khi Mỹ cùng đồng minh quyết tâm loại các công ty của Trung Quốc liên quan tới lĩnh vực này ra khỏi cuộc chơi. Vậy là, vừa mất đi những hợp đồng có tổng trị giá hàng trăm tỷ USD, Trung Quốc vừa mất đi cơ hội quản lý thông tin chiến lược trong tương lai.

Trong khi đó, kinh tế - con át chủ bài mà ông Trump tung ra từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng - giờ đây đã không được ông nhắc tới. Ông Trump không đề cập tới cuộc thương chiến Mỹ - Trung kéo dài hơn hai năm qua bởi Mỹ sẽ không muốn tìm một giải pháp lâu dài với Trung Quốc thay vì tăng mạnh việc đánh thuế vào nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến quốc gia này điêu đứng và tất nhiên Mỹ cũng phải chấp nhận thua thiệt khi Trung Quốc phản đòn bằng việc áp thuế vào những mặt hàng là lợi thế xuất khẩu của Mỹ. Thế nhưng, Mỹ sẽ chẳng ngại bởi Mỹ có nhiều đồng minh và đối tác lớn. Các đồng minh của Mỹ đang sẵn sàng chi tiền để đưa các công ty của mình ra khỏi Trung Quốc.

Quân sự - quân cờ đầu tiên và cũng là sau cùng - đã hiển hiện trong khu vực. Các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không của quân đội Mỹ và đồng minh được đẩy mạnh ở khắp Đông Á, đặc biệt là ở Biển Đông. Thường thì, sự xuất hiện của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở một khu vực là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh. Vậy nhưng, riêng ở Biển Đông trong tháng 7 có lúc đã có tới ba nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ hiện diện. Các cuộc tập trận quân sự liên tiếp của Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7 ở Biển Đông khiến giới quân sự không khỏi lo lắng.

Khi Mỹ tung đòn tổng hợp vào cường quốc thứ 2 thế giới thì các biện pháp ăn miếng trả miếng sẽ liên tiếp diễn ra, cuốn các quốc gia đồng minh, đối tác hay trong khu vực vào vòng xoáy. Quan ngại hơn, khi hai nước hàng đầu thế giới cạnh tranh, sẽ khó có một quốc gia nào đứng ra làm trung gian hòa giải trong khi sự nhượng bộ của một trong hai bên lại trở thành điều xa xỉ, nhất là khi Covid-19 vừa là vấn đề toàn cầu, vừa là nhức nhối nội tại của cả hai cường quốc. Chiến tranh lạnh đang tới rất gần.

Thanh Huyền