Nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích tôm nuôi huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau bị thiệt hại, phải thu hoạch sớm.
Con tôm là thế mạnh của các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giúp nhiều hộ nuôi vươn lên khá giả. Thế nhưng, thời gian gần đây, người nuôi tôm không chỉ gặp khó về thời tiết, môi trường, giá tôm giảm sâu và kéo dài chưa từng có khiến người nuôi gặp khó và lo lắng.
Mùa tôm khốn khó
Có một thời, con tôm được coi là phương thức làm giàu nhanh nhất của nông dân các tỉnh ven biển ĐBSCL. Nó từng làm cho người nghèo mau chóng trở thành tỷ phú; nhưng cũng chính con tôm khiến cho người ta phải “bén duyên” lại với phận nghèo, chịu cảnh nợ nần và thậm chí phải cầm cố đất đai, bỏ xứ đi làm ăn xa…
Từ đầu năm 2023 đến nay, người nuôi tôm phải “vật lộn” với thời tiết để tìm cách cứu lấy con tôm. Nhưng niềm vui trúng mùa ngày càng xa dần trên vùng đất được mệnh danh là “mỏ tôm” của cả nước. Một thực tế gây khó cho việc nuôi tôm từ đầu năm đến nay là dịch bệnh phát sinh cao, nhưng các giải pháp phòng, chống gần như chưa phát huy hiệu quả.
Chỉ tay về hướng cánh đồng tôm đìu hiu với hàng loạt chòi canh hoang vắng không người trông coi, ông Thạch Sol ở ấp Trà Vôn B, xã Vĩnh Tân (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết: “Tôi nuôi tôm nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy con tôm khó nuôi như năm nay. Từ Tết Quý Mão 2023 đến giờ, thời tiết nắng nóng làm cho tôm dễ bị chết. Nếu tôm không chết vì sốc môi trường thì cũng chết vì bệnh. Tôi có 3 ao nuôi tôm với diện tích 12 công và đã bị thiệt hại liên tiếp, lỗ hơn 100 triệu đồng.
Trong khi đó, đối với mô hình nuôi siêu thâm canh mật độ cao dù không thiệt hại vì bệnh, nhưng giá giảm mạnh khiến người nuôi gặp khó. Ông Trần Văn Hải, xã Vĩnh Hậu (Hoà Bình, Bạc Liêu), người nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao nhiều năm nay cho hay: “Chưa bao giờ chứng kiến người nuôi tôm khó khăn đến vậy. Giá tôm giảm mạnh không đoán được thời điểm dừng. Hiện nay, chi phí sản xuất đội lên rất nhiều, giá điện, chi phí vận chuyển... đầu vào sản xuất liên quan đến con tôm đều tăng. Giá tôm giảm mạnh và kéo dài đã khiến cho việc tái đầu tư của người nuôi tôm gặp khó khăn nuôi càng nhiều lỗ càng lớn…”.
Khó khăn nhất trong nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay chính là giá tôm nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh. Ông Trần Hoàng Em - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep) thông tin: Chỉ trong một thời gian ngắn mà giá tôm đã giảm rất sâu. Hiện nay, có loại giảm đến 60.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá tôm thấp như này, người nuôi tôm càng nuôi càng lỗ. Hiện giá tôm thẻ nuôi ao trải bạt loại 30 con/kg có giá từ 125.000-130.000 đồng/kg; nuôi ao đất 100.000-110.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ loại 40 con/kg nuôi ao trải bạt giá dưới 100.000 đồng/kg, nuôi ao đất giá 95.000 đồng/kg. Các loại tôm nước lợ, nước mặn ở các kích cỡ đều bị giảm giá sâu so với tháng 3-2023. Cá biệt có loại giảm đến 50.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg”.
Nỗ lực cứu con tôm
Ngay từ đầu vụ nuôi năm 2023, giá tôm liên tục giảm mạnh, có lúc xuống dưới mức giá thành, còn bình quân chung vẫn thấp hơn 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá điện và các nguyên vật liệu đầu vào hầu hết đều tăng, nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng 1.500-2.500 đồng/kg. Chưa hết khó với những biến động của thị trường, người nuôi tôm còn đối mặt với diễn biến thất thường của thời tiết làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi và dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại. Hiện các vùng nuôi tôm trọng điểm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… không ít nông dân phải “treo” ao.
Ông Trần Văn Của, ấp Nhị Nguyệt, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), cho biết: “Từ đầu năm tới nay, tôi mới nuôi 1 vụ tôm quảng canh cải tiến nhưng không thành công vì tôm bị bệnh, phải thu hoạch sớm. Thời tiết mấy năm gần đây biến động thất thường, rất khó nuôi tôm. Đang nắng chang chang mà trời quất đám mưa, xử lý không khéo tôm bị “sốc nước” chết sạch”; đầu tư ao đầm, con giống bạc chục triệu, chỉ thu lại được “xác tôm”... Tôi định cải tạo lại ao để thả tôm nuôi thì giá tôm giảm mạnh nên đành treo ao bỏ không cho cá tự nhiên sinh sống”.
Theo ông Phạm Minh Hải - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu: “Để ngăn chặn tình trạng tôm sú nuôi bị chết lan ra trên diện rộng, Ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường cán bộ hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương và tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và xử lý triệt để tôm nuôi bị thiệt hại. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức lấy mẫu tôm chết, tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh đi xét nghiệm, quan trắc môi trường nước nuôi và hướng dẫn người nuôi tôm sú các biện pháp quản lý tốt môi trường nước trong ao nuôi tôm.
Tuy nhiên, thời gian qua ở vùng nuôi tôm Bạc Liêu do nuôi thâm canh nhiều, môi trường nuôi bị ảnh hưởng ô nhiễm. Do đó, tỉnh khuyến cáo nông dân nên nuôi thả tôm mật độ thưa, nuôi một vụ/năm để ổn định môi trường nuôi và khuyến khích những mô hình nuôi tôm kết hợp hay luân canh với những loài thủy sản khác tôm - cá, tôm - cua và mô hình tôm - lúa”.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin thu mua để nông dân nắm bắt, tránh tình trạng thương lái thu mua ép giá, gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người nông dân, cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh. Cà Mau đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát và tận dụng triệt để từ Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, gia tăng giá trị kim xuất khẩu của tỉnh”.
Hữu Lợi