CCB, thương binh Nguyễn Đàm Thân.
Những chiếc xe khách màu vàng chanh mang thương hiệu “Văn Minh” tuyến Cửa Lò - Vinh - Hà Nội và Hà Tĩnh - Hà Nội luôn để lại cho hành khách cảm tưởng “đúng là Văn Minh”. Xe không tranh khách dọc đường, chạy đúng giờ, đúng tuyến, thái độ nhân viên thân thiện lịch sự, trung thực, phương tiện sạch sẽ, bắt mắt.
Ngoài hành khách, Văn Minh còn chuyển phát nhanh các bưu kiện, đúng giờ, đúng hẹn, tin tưởng, an toàn. Đây là loại hình kinh doanh vận tải tiến bộ, có thể cạnh tranh hiệu quả lành mạnh với bất kỳ hãng vận chuyển hành khách nào từ xứ Nghệ ra Hà Nội và ngược lại.
Ngày 27-11-2007, Công ty “Du lịch Văn Minh” được thành lập trong bối cảnh thị trường vận chuyện hành khách trên tuyến Cửa Lò - Vinh - Hà Nội còn có sự cạnh tranh chưa lành mạnh. Với số vốn khiêm tốn, đầu xe còn ít, hai anh em Nguyễn Đàm Văn và Nguyễn Đàm Minh được người cha là thương binh chống Pháp, cựu TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Nguyễn Đàm Thân ủng hộ cả về tư tưởng và tài chính. Ông nói với các con về truyền thống “trọng danh hơn trọng tài” của tổ tiên và ông dồn những gì tích góp được, kể cả đứng tên vay vốn ngân hàng rồi chuyển cho các con.
Theo ông “phi thương bất phú” là đúng, nhưng phải đặt chữ “tín” làm trọng. “Văn” và “Minh” không chỉ là tên cha mẹ đặt cho các con mà còn ý nghĩa khác, ý nghĩa của sự vươn lên và bứt phá qua khó khăn. Dẫu biết, kinh doanh tất phải cạnh tranh, nhưng bằng tài - trí và sự tín nhiệm đối với khách hàng. Năm ấy, Tổng giám đốc Nguyễn Đàm Văn mới 31 tuổi. Nhưng anh hiểu, cha anh, thương binh Nguyễn Đàm Thân từng phải xin thôi công chức ở Ty Nông nghiệp Nghệ An về quê chăn vịt vì (lúc ấy) lương công chức và lương giáo viến cấp 1 của mẹ anh không đủ cho các con ăn học. Lớn lên, anh có thời gian ra nước ngoài làm việc. Nghe lời khuyên của cha, những người con ông Thân đi lao động ở nước ngoài ai cũng cố gắng tích lũy tiền vốn, mong ngày về quê đầu tư kinh doanh, làm giàu, có điều kiện phụng dưỡng cha mẹ và đóng góp cho quê hương.
Đến năm 2020, Công ty Văn Minh đã có trên 100 đầu xe, hơn 500 nhân công. Ngoài kinh doanh vận tải hành khách, Công ty còn kinh doanh đa ngành: Kinh doanh bến bãi, xuất khẩu lao động và du học. Tổng giám đốc Nguyễn Đàm Văn còn là Đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải và Hội Doanh nghiệp trẻ. Trên lĩnh vực chính trị - xã hội, Nguyễn Đàm Hoàng con trai trưởng ông Thân, thương binh chống Mỹ nguyên Giám đốc Đài phát thanh - Truyền hình thị xã Cữa Lò hai nhiệm kỳ. Nguyễn Thị Lam con gái thứ ba là Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công với cách mạng. Trung tâm đã tiếp nhận hàng ngàn lượt Người có công đến điều dưỡng, nghỉ ngơi, khi ra về họ đều bày tỏ lòng cảm mến.
Sông có nguồn, người có gốc, thương binh Nguyễn Đàm Thân lúc khó khăn đến khi được an hưởng tuổi già vẫn luôn giữ trong mình tư tưởng đó. Gốc và nguồn trong ông là “đức nhân”, tức cái đức con người, điều mà cha mẹ ông đã truyền lại. Quê ông xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là một vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Nơi đây đất không rộng, người không đông, nhưng là nơi sinh ra các nhà khoa bảng nổi tiếng thời phong kiến.
Ngày nay, bằng con đường học vấn, người dân nơi đây cũng không đến nỗi hổ thẹn với tiền nhân. Từ vùng quê ấy, 17 tuổi Nguyễn Đàm Thân là một trong 4.000 người con Nghệ An - Hà Tĩnh - Thanh Hóa gia nhập lực lượng TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời gian phục vụ chiến dịch, nhiều lần ông Thân bị bom vùi, bị thương, có lúc tưởng như không qua khỏi.
Kháng chiến thành công, ông Thân trở lại quê hương với nhiều thương tích trên mình. Ông được cử đi học Trung cấp Nông nghiệp, rồi thành công chức nhà nước; nhưng gánh nặng áo cơm đã đưa ông đến với nghề “chăn vịt”. Câu rằng: “Muốn giàu nuôi cá/ Muốn khá nuôi heo/ Thoát nghèo nuôi vịt”. Nhờ cái nghề nuôi vịt mà ông lần lượt nuôi các con học hành đến nơi đến chốn. Biết rằng đất quê có truyền thống khoa bảng nhưng ông không thể nuôi những 10 người con vào đại học. Bằng tích lũy từ nghề chăn vịt, cùng vay ngân hàng các con ông lần lượt đi lao động ở các nước Đức, Ba Lan, Hàn Quốc …
Thế rồi, người trước tạo điều kiện cho kẻ sau, cùng phát triển kinh tế. Đi sang nước bạn là lao động nên họ rất chăm chỉ, tiết kiệm, tích lũy vốn liếng. Trong nhưng người ấy, kẻ về quê thì thành lập công ty, đầu tư vào ngành nghề thích hợp, người ở lại thì mở của hàng và sống hòa nhập với phong cách, lối sống của người dân quốc gia sở tại.
Đến bây giờ gia đình ông Thân - bà Hoa và con cháu không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn là tấm gương về lòng nhân ái “thương người như thể thương thân” đối với họ hàng và xã hội.
Trên lĩnh vực học tập các cháu nội, ngoại đã thực hiện được khát vọng của ông. Hầu hết các cháu của ông bà đều thi đỗ vào các trường đại học. Từ hoàn cảnh của mình thương binh Nguyễn Đàm Thân đã đi bằng con đường vòng, con đường ấy dẫu dài, dẫu khó nhưng đã đưa các con cháu ông đến thành đạt.
Nguyễn Tâm Cẩn