Báo tháng 4 - Hồi mà câu thề hẹn còn là mốt của những đôi trai gái yêu nhau, đá thường được nhắc đến. Thí dụ như “Chừng nào đá nát như cháo em mới thôi nhớ anh”. Hay “Lúc núi kia sập xuống cái rầm anh mới bớt thương em”. Đối tượng nguýt dài, hơi trề môi, như nói “sức mấy mà tui tin” nhưng trong lòng xúc động rịn từng giọt, như máu. Nhỏ biết cảm giác đó, rất ngọt ngào.
Hồi đó con gái hai mươi tuổi khôn chỉ bằng... em bé lên mười của thời nay. Mộng mị, ngây thơ, thấy lời thề ước đáng tin và cao quý hết biết, bởi nghĩ rằng chẳng có gì cứng cáp, bền vững như đá kia, núi kia.
Sau này, té ngửa ra, chẳng có gì là vĩnh cửu, đá không, núi cũng không. Những bài giảng từ trường học vẫn mới, nhưng vì mơ màng quá nên nhỏ quên rằng đá cũng có tuổi, cũng sống và chết. Đá cũng đau như người, có lúc không chết vì bệnh tật, vì tuổi già... Những lần rong ruổi khắp đồng bằng Tây Nam Bộ, nhận ra điều đó, nhỏ thấy hết hồn.
Rồi thấy nhói một cách kỳ cục khi nhìn núi mà cảm giác lay lắt, mong manh. Như đứng trước một nhánh liễu muốt, một bông hoa bắt đầu phai, một chiếc lá úa trên cây. Mùa trước ngang qua, núi còn cây cỏ xanh rì, mùa sau thấy núi toạc ra từng mảng lớn, đá trắng trơ xương. Mùa này, thấy núi còn cao vọi, mùa sau núi thấp tè. Mùa này, có núi còn đứng trọc lóc giữa đồng, cao hơn mấy cây thốt nốt một chút, mùa sau không còn thấy núi đâu. Chỉ những nhà máy ximăng thả lên trời những đụn khói đục ngầu.
Nhân nói về khói, sẽ có một ngụ ngôn như sau: Khói mẹ kể chuyện cổ tích cho khói con nghe, ngày xửa ngày xưa, chúng ta là một phần của núi. Khói con hỏi vậy núi là cái gì? Khói mẹ ngó xuống, bối rối vì không có ngọn núi nào để giải thích với con. Cuối cùng, nó biểu khói con bay ra miền Bắc, ở đó chắc còn núi. Chứ đồng bằng thì láng te rồi. Nhưng khói con làm gì có cơ hội được đi xa, để biết núi là gì.
Câu chuyện hơi cay đắng, bởi người sáng tác ra nó là một người yêu núi khủng khiếp. Yêu mà chẳng biết tại sao. Vì quê nhà toàn nước rạch nước sông, nên thèm núi? Vì cái dáng vẻ cô độc, huyền bí, kiêu hãnh của núi hơi giống mình? Vì đức tin vào lời thề năm cũ? Hoặc yêu tất cả, tất cả những điều đó.
Nhỏ thuộc loại người nhìn núi thấy đẹp. Cái đẹp của những tảng đá xanh rêu, của những bông bằng lăng tím biêng biếc giắt trên khe đá, của những con cuốn chiếu núi lớn bằng ngón tay út mà rất hiền. Cái đẹp của cánh đồng chiều lặng phắc, núi thẫm miết vào chân trời, gần đó là những cây thốt nốt xơ rơ, những con bò ốm nhách lười nhác liếm láp cỏ khô, mà sao như núi chỉ có một mình.
Nhưng cũng có người, nhìn núi nghĩ ngay đến việc nung vôi, việc giã nhỏ đá ra để... lót sân. Những người đó cũng đông, cũng chật. Nên núi tàn lụi dần trên vùng đất đồng bằng vốn chẳng giàu có núi, chẳng thừa thãi núi.
Nên chẳng có gì là khó hiểu, khi chuyện thề thốt bây giờ ít đôi lứa nào dùng, bởi người ta đã bớt dại khờ, chai sạn sự tin, và bởi không biết vịn vào gì để thề. Ở đô thị, sông đã hoá phố, hoá nhà. Ở nơi heo hút khác, đất lại tan thành sông. Bàn tay con người đụng đến đâu, thiên nhiên ngoa ngoắt biến đổi đến đó. Chẳng biết đâu mà lần.
Nên sau này, mốt thề ước có quay lại, con người chỉ có nước lấy... con người ra thề. Thí dụ, thay cho rắn hổ đất (bị đem vô quán nhậu nấu cháo đậu xanh hết rồi) đôi lứa sẽ nói, ai không thiệt lòng cho miệng lưỡi người ta... hại chết luôn. Thí dụ, thay cho núi, đôi lứa nói như vầy: “Chừng nào tham vọng của người ta hạ ngọn, tụi mình mới hết yêu nhau”. Chắc ăn. Sẽ không đôi lứa nào phải lặng đi khi nhìn một ngọn núi qua đời, lời thề xưa nhói buốt...
Đó là kinh nghiệm sống trong những ngày thiên nhiên biến mất. Trước khi con người biến mất...
Nguyễn Ngọc Tư