Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas - Greenfield giơ tay phủ quyết trong cuộc họp HĐBA ngày 18-10-2023.

Mới đây, Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) có cuộc thảo luận về việc sử dụng quyền phủ quyết của các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA). Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng một cách không kiềm chế quyền phủ quyết tại HĐBA không chỉ làm tê liệt chính cơ quan này mà còn cản trở LHQ ứng phó hiệu quả với các vấn đề hòa bình, an ninh.

Điển hình, từ khi bùng phát xung đột Hamas - Israel (7-10-2023), hàng loạt nghị quyết HĐBA đã bị Mỹ dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn, với những lý lẽ rất “Mỹ”.

Ngày 18-10-2023, Brazil đệ trình lên HĐBA dự thảo nghị quyết đầu tiên từ khi bùng phát xung đột, trong đó lên án vụ tấn công của Hamas vào Israel và kêu gọi lực lượng này thả con tin, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn vì mục đích nhân đạo để cho phép cung cấp viện trợ cho dải Gaza. Mỹ bỏ phiếu chống vì cho rằng nghị quyết “không đề cập đến quyền tự vệ của Israel”!

Ngày 8-12-2023, có 13 thành viên HĐBA ủng hộ nghị quyết do Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) dự thảo, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Anh bỏ phiếu trắng trong khi Mỹ phủ quyết. Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood lý giải là nghị quyết này "xa rời thực tế" và "sẽ không thể tiến tới được".

Ngày 20-2-2024, các quốc gia Ả-rập dẫn đầu là Algeria trình lên HĐBA dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng cuộc chiến đã giết chết hơn 29.000 người ở Gaza và khiến hơn 80% dân số phải rời bỏ nhà cửa. Mỹ lại nước duy nhất bỏ phiếu chống, trong khi Anh bỏ phiếu trắng. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas - Greenfield cho biết: Mỹ chống nghị quyết này vì lo ngại nó sẽ đe dọa các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về việc tạm dừng chiến tranh và thả các con tin trong tay Hamas. Bà Linda cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng động thái phủ quyết là cố gắng của Mỹ nhằm che chở cho cuộc tấn công dự kiến của Israel vào thành phố Rafah ở nam Gaza.

Dưới sức ép của cộng đồng quốc tế và cảm thấy bị cô lập, ngày 26-3-2024, Mỹ bỏ phiếu trắng, nhờ đó HĐBA mới thông qua được nghị quyết yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức đồng thời thả vô điều kiện toàn bộ con tin. Tuy nhiên ngay sau đó, Mỹ tuyên bố nghị quyết không có giá trị pháp lý và nước này sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí “cũng như các khả năng khác” cho Israel.

Đại diện Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cho rằng hành động của Mỹ "Không khác gì bật đèn xanh cho tội ác”. Đại diện Nga - Dmitry Polyanskiy tuyên bố: “Mỹ thực sự đã đưa ra bản án tử hình đối với hàng chục nghìn thường dân ở Palestine và Israel”.

Việc Mỹ kiên trì bảo vệ Israel bất chấp dư luận chỉ trích và kêu gọi chấm dứt chiến tranh cho thấy, tính thực dụng vẫn là trung tâm trong cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Trung Đông, cụ thể, tăng cường ủng hộ các đồng minh truyền thống như Israel nhằm kiềm chế "kẻ thù truyền kiếp" là Iran. Qua đó, đảm bảo không quốc gia nào có thể vươn lên vị trí bá quyền ở khu vực khả dĩ làm tổn hại các lợi ích của Mỹ tại đây. Mỹ kỳ vọng việc họ kiên quyết ủng hộ Israel có thể ngăn cản các đối thủ khác trong khu vực tận dụng tình hình bất ổn để leo thang xung đột.

Tuy nhiên, việc Mỹ lạm dụng quyền phủ quyết có thể kích thích tâm lý chống Mỹ tại Trung Đông khi các nước láng giềng chứng kiến thương vong gia tăng và sự tàn phá do Israel gây ra ở Gaza. Ngoài ra, việc "vũ khí hóa" quyền phủ quyết tại HĐBA khiến Mỹ đối diện với các chỉ trích gia tăng về nhân đạo và làm xói mòn “các giá trị hòa bình, tự do” mà siêu cường này luôn nhấn mạnh. Hành động đơn phương của Mỹ cũng có thể làm suy yếu uy tín và khả năng triển khai các hoạt động duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của cường quốc này.

Đăng Song