Phó tổng thống Mỹ - Johnson, Ngô Đình Diệm và Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn - Nolting.
Báo tháng 4 - Sự “quan tâm” của Mỹ đến Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng xuất hiện từ rất sớm, từ khi quân Pháp theo sau quân Đồng minh trở lại thuộc địa cũ nay đã trở thành một quốc gia độc lập.
Và cũng chính từ lúc ấy, Mỹ bắt đầu vừa viện trợ cho Pháp, lại vừa tìm cách sán đến Đông Dương và hất cẳng Pháp. Bao năm Mỹ tung tiền của “giúp” Pháp tiến hành cuộc chiến tranh Đông Dương, cũng để chờ thời cơ độc chiếm khu vực này.
Ngày 27-6-1950, Tổng thống Mỹ - Truman cho lập Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ ở Đông Dương (Millitary Assistance Advisory Group in Indochina, viết tắt MAAG-Indochina) có nhiệm vụ theo dõi chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, đề nghị lên Chính phủ Mỹ kế hoạch viện trợ quân sự cho quân viễn chinh Pháp và các đạo quân bản xứ ở ba nước Đông Dương; hướng dẫn các đạo quân này sử dụng các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh do Mỹ cung cấp.
Từ đó, song song với những khoản kinh phí hỗ trợ không ngừng tăng lên qua mỗi năm là những cuộc thăm viếng liên tục của các nhân vật quân sự và dân sự Mỹ, đỉnh điểm là chuyến thăm của Phó Tổng thống Nixon (tháng 10-1953). Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả về kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ USD, trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ USD, năm 1954 Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ USD nữa. Tổng cộng, Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 175.000 súng cá nhân.
Thời gian này, ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình mà không cần sự chấp thuận của Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương - Navarre phải than phiền: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ".
Khi nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ, Ngoại trưởng Mỹ-John Duless thốt lên: “Pháp thua ở Điện Biên Phủ cũng có cái hay, nó cho phép Mỹ nhảy vào Đông Dương ngon lành, không mang tiếng thực dân xâm lược...”. Và ngay trong đêm 7-5-1954, Tổng thống Mỹ - Eisenhower đã họp gấp với Ngoại trưởng Duless đề xuất chủ trương đòi Pháp trao quyền cho Mỹ trực tiếp huấn luyện, chỉ huy quân nguỵ.
Một tháng sau, ngày 6-6, Mỹ ép Pháp và Bảo Đại buộc thủ tướng bù nhìn Bửu Lộc (thân Pháp) từ chức. Thế rồi, ngày 7-7-1954, một nội các bù nhìn mới với thành phần thân Mỹ là chủ yếu được dựng lên, do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng quốc phòng. Cũng trong đêm đó, Ngoại trưởng Duless điện cho Trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Geneva: “Chắc chắn, tuyển cử có nghĩa là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền ông Hồ Chí Minh. Điều quan trọng hơn hết là trì hoãn tuyển cử càng lâu càng tốt”. Trước đó, ngày 26-6, Ngoại trưởng Mỹ thông báo với thủ lĩnh các đảng trong Quốc hội rằng: Hoa Kỳ phải gánh vác nhiều hơn trách nhiệm ở vùng đất châu Á này. Cụ thể, Mỹ muốn xây dựng một liên minh khu vực, theo mô hình NATO ở châu Âu.
Tại Hội nghị Geneva, Trưởng đoàn Mỹ không kí vào Tuyên bố cuối cùng, để rảnh tay thực hiện ý đồ can dự vào Việt Nam. Và khi các chữ kí trên bản Hiệp định còn chưa ráo mực, ngày 8-8-1954 (18 ngày sau khi Hội nghị Geneva kết thúc), Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ chính thức quyết định hất cẳng Pháp, thay Pháp nhảy vào miền Nam. Quyết định nêu rõ: Mỹ trực tiếp viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn, không qua Pháp; Pháp phải rút hết quân khỏi miền Nam và phải ủng hộ Diệm; loại bỏ Bảo Đại, tay sai lâu đời của Pháp...
Ngày 8-9-1954, Mỹ lôi kéo các nước đồng minh thành lập Khối hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á (SEATO), đặt Nam Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự bảo trợ của tổ chức này. Ngày 17-11-1954, Mỹ cử tướng Collin sang làm đại sứ ở Sài Gòn.
Tháng 1-1955, chuyến hàng viện trợ quân sự đầu tiên của Mỹ tới tay quân đội Sài Gòn. Ngày 1-11-1955, Mỹ lập MAAG-Việt Nam (thay cho MAAG-Đông Dương) để tổ chức lại quân đội quốc gia Việt Nam (quân đội bù nhìn) do Pháp lập ra ngày 11-5-1950 thành quân đội Việt Nam cộng hòa, huấn luyện và trang bị vũ khí cho đạo quân này chống lại nhân dân miền Nam. Ngày 26-4-1956, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Nam; hai ngày sau đó, phái đoàn MAAG của Mỹ chính thức nắm và huấn luyện quân đội Sài Gòn...
Nhà sử học Mỹ - Cecil Currey thừa nhận là “...ngay từ đầu, Ngoại trưởng Mỹ - Duless đã nhìn Hội nghị Geneva với con mắt nghi ngờ. Ông ta biết tất nhiên sẽ có một giải pháp nào đó và lo sợ trước ý nghĩ một khoảng trống quân sự sẽ để lại ở Đông Nam Á khi người Pháp ra đi. Ông ta muốn Mỹ phải đứng chân vững chắc trong khu vực và dùng Việt Nam như một mắt xích chính trong vành đai an toàn mà ông ta muốn thiết lập”.
Đăng Song