Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương.
Các chiến lược như xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được các chính quyền của Mỹ thúc đẩy từ thời Tổng thống Barack Obama, tức là ít ra đã được 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, nhiều nỗ lực hướng về Thái Bình Dương đã được Mỹ thực hiện. Ấy nhưng, còn một khu vực gần như bị bỏ rơi: các đảo quốc ở Thái Bình Dương.
Nói vậy chẳng sai bởi tới cuối tháng 9-2022, tận dụng cơ hội các nhà lãnh đạo của các đảo quốc đang ở New York tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Tổng thống Mỹ lần đầu tiên đón tiếp họ tại Nhà Trắng và tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên trong lịch sử giữa lãnh đạo của Mỹ và các đảo quốc. Trong khi nguyên thủ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã từng đến Nhà Trắng thì nhiều nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương trước giờ chưa từng có cơ hội đến đây. Cánh cửa Nhà Trắng rộng mở với họ vừa muộn màng lại vừa có tính cơ hội và gấp gáp bởi chính các đảo quốc Thái Bình Dương đang nhận được sự quan tâm và những nguồn đầu tư mới của Trung Quốc trong bối cảnh nước này nỗ lực khẳng định ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Thực sự Mỹ đã tiếp cận các quốc đảo trước Trung Quốc hàng chục năm. Thế nhưng, việc Mỹ thờ ơ đã tạo khoảng trống để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Tới tháng 4-2022, khi Trung Quốc và Solomon công bố việc hai bên đã đạt được một thoả thuận về an ninh thì Australia, New Zealand và Mỹ đã gần như “phát hoảng” bởi sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh đã lùm lùm trước cửa nhà của Australia. Thế nên, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên này là cú đột phá để Mỹ khẳng định mối quan tâm của mình tới các quốc đảo và công bố chiến lược đầu tiên với các đảo Thái Bình Dương nhằm giải quyết những mối quan ngại hàng đầu của các quốc gia này, bao gồm biến đổi khí hậu, sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, tình trạng đánh bắt cá trái phép và đầu tư công nghệ.
Tuy có muộn nhưng có vẻ Mỹ vẫn khẳng định được tầm quan trọng của mình ở khu vực khi tại Hội nghị ngày 28-9 ở Washington D.C, các nhà lãnh đạo các đảo quốc đã tán thành tuyên bố về tầm nhìn 11 điểm mà Mỹ là chủ bút. Đặc biệt, Thủ tướng quần đảo Solomon - Manasseh Sogavare trước đó khẳng định Chính phủ của ông cần "thời gian để suy nghĩ" về tuyên bố này nhưng đã đặt bút ký và tuyên bố.
Như vậy, về mặt chính trị, tuy hành động của Mỹ là chậm chân nhưng cũng vớt vát được tình hình, trấn an được lãnh đạo các quốc đảo. Tuy nhiên, nếu so với nguồn lực quân sự và tài chính Mỹ “bơm” cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ ở quốc gia này thì khoản đầu tư vào hơn 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương rất “nhỏ giọt”, chẳng tương xứng với một đại chiến lược được thực hiện tới ba đời Tổng thống của Mỹ. Theo tuyên bố của Washington, Mỹ sẽ lập một quỹ tài trợ mới trị giá 810 triệu USD cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương và có kế hoạch khởi động đàm phán thương mại vào cuối năm nay. Theo đó, 600 triệu USD sẽ được phân bổ dưới dạng gói hỗ trợ 10 năm để làm sạch các vùng nước ô nhiễm, qua đó giúp phát triển nghề cá. Với các quốc gia Thái Bình Dương dễ tổn thương nhất do nước biển dâng và các tác động khác của tình trạng biến đổi khí hậu, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ chi hơn 20 triệu USD cho công tác tăng cường năng lực dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong vùng. Tổng quy trên cộng với khoản tiền trợ cấp khoảng 1,5 tỷ USD của Mỹ cho các quốc đảo trong 10 năm qua đúng là khó sẽ cạnh tranh được với ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay ở khu vực này. Bù lại, Mỹ có ý định mở rộng cơ quan đại diện ngoại giao tại các quốc đảo Thái Bình Dương từ 6 lên 9 cơ quan; thiết lập một vị trí đại sứ mới tại Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương - một tổ chức quốc tế của các quốc gia này tương tự như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và tái thiết lập phái bộ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Fiji...
Dẫu gì, Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương lần đầu tiên này cũng mang tính biểu tượng cao. Các đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia và New Zealand, tất nhiên sẽ có các hành động đồng hướng với Mỹ. Cách tiếp cận của Mỹ với khu vực này tuy muộn và hỗ trợ mang tính nhỏ giọt nhưng dù sao cũng giữ được mối quan hệ với các quốc đảo.
Thanh Huyền