Khu phố Thiên Chúa giáo ở Jerusalem vắng vẻ trong Giáng sinh năm 2023.
Giáng sinh lại đến. Mọi năm vào dịp này, tại các thành phố và địa phương ở Israel nơi có nhiều cộng đồng người theo đạo Thiên chúa sinh sống như Haifa, Nazareth, Tel Aviv, Shefa Amr… không khí lễ hội tràn ngập, khắp nơi trang hoàng rực rỡ để đón ngày lễ lớn. Thế nhưng, cuộc xung đột đang diễn ra tại dải Gaza đã khiến Giáng sinh năm nay trở nên tẻ nhạt và đìu hiu.
Jerusalem - thánh địa của Thiên chúa giáo - hằng năm thường có khoảng trên 1 triệu tín đồ từ các nước hành hương đến đây, đặc biệt tập trung tại các địa điểm linh thiêng ở T.P Jerusalem và nhất là T.P Bethlehem ở Bờ Tây của Palestine, với nhà thờ Nativity được cho là nơi Chúa Jesus ra đời. Năm 2023, tại các địa điểm này không còn những cây thông Noel, không còn các buổi hòa nhạc Thánh ca, không còn các hội chợ Giáng sinh hay các sự kiện ăn mừng ngoài trời. Bên ngoài các nhà thờ cũng không còn những ánh điện trang hoàng lộng lẫy.
Cộng đồng Thiên chúa giáo chiếm gần 2% dân số Israel, trong đó người gốc Arab chiếm khoảng 75%. Năm nay, các cộng đồng người Arab theo đạo Thiên chúa tại đây quyết định không trang hoàng kỷ niệm và không dựng cây thông để thể hiện sự chia sẻ với những người Palestine đang chịu cảnh chiến tranh đau thương. Cuộc chiến nổ ra từ ngày 7-10 đã khiến 1.200 người dân Israel và khoảng 20.000 người Palestine tại dải Gaza thiệt mạng. Ngay từ đầu tháng 11, Giáo phận Jerusalem đã ra thông báo dừng tất cả các hoạt động lễ hội không cần thiết để bày tỏ sự ủng hộ với những số phận đau khổ trong năm nay.
Trái ngược với không khí yên tĩnh đến lạ thường ở Jerusalem, dải Gaza lại “sôi động” bởi những tiếng bom gào. Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu khẳng định xung đột ở Gaza đã mang đến rất nhiều thiệt hại nhưng nhấn mạnh Israel sẽ tiếp tục chiến dịch bằng tất cả lực lượng của mình. Ngày 24-12, ngay trước thềm Giáng sinh, ông Netanyahu tuyên bố: “Sẽ tiếp tục với toàn bộ lực lượng cho đến cuối cùng, đến khi chiến thắng, đến khi đạt được tất cả các mục tiêu tiêu diệt Hamas, giải cứu các con tin và đảm bảo rằng Gaza sẽ không bao giờ là mối đe dọa đối với nhà nước Israel nữa”.
“Gaza sẽ không bao giờ là mối đe dọa đối với nhà nước Israel” là một mục tiêu mập mờ nhưng thông điệp thì có thể hiểu rằng Giáng sinh năm 2024 cũng sẽ lại là một Giáng sinh buồn cho dù trước đó, ngày 22-12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết yêu cầu các bên trong xung đột Israel - Hamas cho phép “Viện trợ nhân đạo không bị cản trở trên quy mô lớn” nhưng không kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Nghị quyết về Gaza do Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) soạn thảo được HĐBA LHQ thông qua với 13 phiếu thuận, Nga và Mỹ bỏ phiếu trắng.
Việc HĐBA LHQ thông qua nghị quyết trên sau 4 lần trì hoãn là một thành công; thành công ở góc độ 15 các quốc gia thành viên thường trực và không thường trực của HĐBQ LHQ rốt cục cũng đã làm được việc duy nhất họ có thể làm về mặt nhân đạo là đưa ra được một nghị quyết, cho dù đã quá muộn màng. Theo tinh thần của nghị quyết trên, cả Israel và Hamas sẽ không được phép cản trở tiếp viện nhân đạo quy mô lớn. Đây là một động thái đúng hướng tất nhiên, giúp vơi bớt đi khổ đau cho người dân Palestine ở Gaza trong một thảm họa nhân đạo. Việc khó trong tương lai chính là việc thực thi nghị quyết này. Khi người dân Palestine ở Gaza thiếu thức ăn và nước uống, bị Israel “lùa” từ miền Bắc về miền Nam Gaza rồi lại tiếp tục “bị đuổi” về phía Tây dưới những đợt bom gào thì Israel, bất chấp những lời khuyên ngăn của cộng đồng quốc tế, khăng khăng cho rằng viện trợ đã được cho phép qua một số cửa khẩu hay viện trợ là cách để chuyển vũ khí cho Hamas.
Khoảng 20.000 người Palestine bị thiệt mạng, Gaza trở thành một đống đổ nát trong một chiến dịch quân sự “vô nhân đạo” của Israel. Nói “vô nhân đạo” bởi lẽ rõ ràng Israel đã vi phạm nguyên tắc “tương xứng” trong Luật Nhân đạo quốc tế khi sử dụng vũ khí vượt trội để tấn công bừa bãi, hủy hoại cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu và đặc biệt là giết hại dân thường.
Như vậy, cho dù HĐBA LHQ trước mắt đạt được nghị quyết về cứu trợ nhân đạo cho Gaza hay về lâu dài Israel có thể tuyên bố đã đạt được mục đích trong chiến dịch quân sự của mình thì mâu thuẫn lãnh thổ, tôn giáo giữa người Arab và người Do Thái lại được đẩy lên cao. Người Palestine nói riêng và thế giới đạo Hồi nói chung khó có thể quên đi thảm cảnh ở Gaza. Người dân toàn cầu cũng chẳng thể vui mỗi khi Giáng sinh tới bởi ngay cả ở nơi được cho là nơi chúa Jesus sinh ra tới giờ vẫn là mảnh đất của chiến tranh, thù hận.
Năm nay, tiếng chuông vẫn vang vọng từ nhà thờ ở Jerusalem. Tiếng chuông vang xa hơn trong sự tĩnh lặng cho xung đột và chết chóc.
Thanh Huyền