Lãnh đạo phường Trần Hưng Đạo cảm ơn Đoàn nghệ thuật UNESCO Sen Việt và Hội CCB phường đã có nhiều tiết mục đặc sắc trong buổi lễ tri ân.

Tháng 7 - tháng tri ân các Anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, những con người đã hiến máu xương cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tháng 7 như một điểm nhấn để thêm một lần nữa mỗi người trong chúng ta ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình, hiểu hơn về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, nhiều hoạt động tri ân, thắm đượm nghĩa tình được các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương tổ chức trọng thể, trang nghiêm. Trong những ngày này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chủ trì, tham gia nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

Các Bộ, ban, ngành, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều đoàn tới dâng hoa, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, đền tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, Người có công.

Ở mỗi cấp xã, phường, trị trấn lễ tri ân được tổ chức chu đáo, ấm tình làng nghĩa xóm và luôn có mặt các thế hệ CCB đang sinh sống trên địa bàn.

Năm nay, Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ của phường Trần Hưng Đạo (T.P Hà Nội) do Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm, Hội CCB phường Trần Hưng Đạo phối hợp tổ chức trong không gian Phố sách Trần Hưng Đạo. Chương trình biểu diễn nghệ thuật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Mãi mãi tri ân”.

Chương trình nghệ thuật do của Đoàn nghệ thuật UNESCO Sen Việt biểu diễn đã đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc sâu lắng như hoà mình vào những năm tháng chiến tranh khốc liệt và thấy được những mất mát, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ qua các ca khúc đi cùng năm tháng như "Người mẹ của tôi", "Màu hoa đỏ", vở nhạc kịch "Một thời để nhớ"... ca ngợi quê hương, đất nước, tình đồng chí, đồng đội, sự hy sinh anh dũng của người lính Bộ đội Cụ Hồ; những hy sinh thầm lặng của các mẹ Việt Nam anh hùng; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chị Hương Liên - phu nhân Anh hùng LLVTND Phan Văn Quý - Trưởng đoàn nghệ thuận UNESCO Sen Việt xúc động nói: “Những cuộc chiến tranh đi qua, để lại quá nhiều mất mát cho cả người ra đi và người ở lại. Bóng tối chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của nó vẫn còn hiện hữu như để nhắc nhở mỗi con người Việt Nam biết trân trọng hơn giá trị của hoà bình hôm nay. Và chủ đề chính của chương trình “Mãi mãi tri ân” là để khẳng định một lần nữa: Mỗi người dân không bao giờ quên những công lao to lớn ấy. Ngọn lửa của lòng yêu nước từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Hội CCB phường Trần Hưng Đạo cũng có nhiều tiết mục góp thêm lời ca, tiếng hát thắm đượm tình đồng đội qua những ca khúc “Đồng đội ơi”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”… Những giọng ca mộc mạc nhưng đầy chất lính vang vào không trung để gửi đến anh linh những đồng đội đã khuất, để nhớ về một thời bom đạn, gian khổ có nhau. Đặc biệt, tiết mục ngẫu hứng của CCB, thương binh Nguyễn Ngọc Dũng với chiếc kèn ácmônica - “vật bất ly thân” theo ông trong những tháng ngày chiến đấu đã đem lại cho buổi lễ những giây phút xúc động. Hình ảnh người CCB mất cánh tay phải nơi chiến trường vẫn lạc quan cất lên những giai điệu tha thiết đến nao lòng.

Chương trình giao lưu là câu chuyện về những kỷ niệm khi mới nhập ngũ của CCB Đỗ Duy Long - Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 1, thương binh 4/4; những khó khăn, vất vả của bà Lê Thị Thanh Huyền - vợ của thương binh 2/4 Hà Tiến Hiển trong quá trình nuôi một người con nhiễm chất độc hóa học từ người cha; những nỗ lực của CCB Nguyễn Trường Kỳ - nguyên Chủ tịch Hội CCB phường cùng chính quyền địa phương vận dụng một cách linh hoạt các chính sách trong việc giúp đỡ xây dựng nhà cho thương binh Nguyễn Ngọc Dũng; những lời tri ân của đại diện thế hệ trẻ phường Trần Hưng Đạo gửi tới thế hệ cha anh.

Lên sân khấu nhận quà tri ân trong dịp này có một thương binh, một Anh hùng LLVTND - đó là doanh nhân CCB Phan Văn Quý - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương, một công dân của phường Trần Hưng Đạo. Tôi ấn tượng bởi cử chỉ trân trọng của ông khi nhận món quà từ lãnh đạo chính quyền. Ông nâng niu, hai tay cầm chiếc phong bì nhỏ cho tới khi về đến chỗ ngồi.

Chị Phùng Phương Thảo - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết: “Phường Trần Hưng Đạo hiện có 94 gia đình thân nhân liệt sĩ và 60 đồng chí thương binh, bệnh binh. Từ nhiều năm qua, công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm và đã trở thành nét đẹp truyền thống, lan tỏa trong cộng đồng dân cư cũng như các đơn vị đóng trên địa bàn. Ngày 27-7 là dịp để chúng tôi gửi đến những người anh hùng đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường, bày tỏ lòng biết ơn tới những công lao đóng góp to lớn của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc... và cũng là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Dự lễ tri ân ở một địa phương mà tôi đã thấy biết bao vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội, sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương đối với Người có công và gia đình chính sách, những tấm lòng ấm áp sẻ chia, những khoảng lặng trong tâm hồn của mỗi người có mặt tại đây. Phường Trần Hưng Đạo chỉ là một trong 10.598 xã, phường, thị trấn trong cả nước đã, đang và sẽ “mãi mãi tri ân” sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh. Bao nhiêu xã, phường, thị trấn là bấy nhiêu “ngọn nến” đang thắp sáng lung linh cho truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong mỗi con dân đất Việt.

Hồ Thanh Hương