Ngày 19-8-1945, hàng chục nghìn người dân Hà Nội dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, chào mừng thắng lợi Cách mạng Tháng Tám.

Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phát xít, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 75 đã năm trôi qua, khí thế hào sảng của Cách mạng Tháng Tám vẫn luôn soi rọi và trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Trong khi nhân dân Việt Nam và loài người yêu chuộng hòa bình thế giới ngợi ca, tôn vinh cuộc cách mạng long trời lở đất, thì vẫn còn những giọng điệu xuyên tạc giá trị lịch sử, xúc phạm đến những hy sinh xương máu của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám? Bản chất của những giọng điệu này là gì? Tại sao họ luôn cố tình xuyên tạc lịch sử Việt Nam? Vấn đề này sẽ được làm rõ hơn qua cuộc trao đổi của PV Báo CCB Việt Nam với Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

PV: Thưa Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra trong hơn 15 ngày đã thành công và ít đổ máu. Là người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, ông có thể cho biết đâu là điều kiện thuận lợi giúp cách mạng Việt Nam có được thành công như vậy?

Đồng chí Phạm Hồng Tung:  Để có được thành công vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nguyên nhân khách quan được giới nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài nhấn mạnh, đánh giá cao. Sau khi nước Nhật bị đánh bại hoàn toàn và việc Nhật đầu hàng quân Đồng minh thì đã mở ra một thời cơ lịch sử vô cùng thuận lợi cho Việt Nam, các dân tộc trên bán đảo Đông Dương và nhiều nước khác ở Đông Nam Á có thời cơ thuận lợi nhất để đứng lên giành độc lập dân tộc. Trước đó nữa, việc Nhật lật đổ người Pháp ngay trên đất nước ta thông qua cuộc đảo chính thì cũng là một diễn biến khách quan thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, mở ra thời cơ để lực lượng cách mạng phát triển trên phạm vi toàn quốc.

PV: Như vậy có nghĩa là chúng ta đã có được một điều kiện rất thuận lợi từ bối cảnh quốc tế mang lại. Tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám, thưa ông?

Đồng chí Phạm Hồng Tung: Đúng như vậy, tôi muốn nhấn mạnh, dù yếu tố quốc tế, yếu tố khách quan có quan trọng đến đâu thì người ta cũng không được phép cường điệu nó. Bằng chứng là, thời cơ lịch sử thuận lợi ấy được mở ra như nhau cho các dân tộc ở Đông Nam Á, thế mà chỉ có nhân dân Việt Nam đem sức ta giải phóng cho ta giành được chính quyền, tuyên bố được độc lập. Thế thì phải khẳng định, yếu tố chủ quan là quan trọng nhất. Thứ hai, lúc đó không chỉ có lực lượng yêu nước cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo mà còn có giáo phái Cao Đài, còn có Việt Nam phục quốc đồng minh hội, Việt Nam quốc dân đảng. Còn có rất nhiều lực lượng khác, nhưng họ không thể tập hợp lực lượng để giành được chính quyền. Yếu tố chủ quan quan trọng nhất ở đây chính là sự quy tụ đại nghĩa dân tộc dưới ngọn cờ duy nhất là ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh. Cội nguồn của thắng lợi, chính là đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương.

PV:  Như Giáo sư vừa phân tích thì có thể thấy rằng Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công không phải là “ăn may” như quan điểm của một số người, đúng không ạ?

Đồng chí Phạm Hồng Tung:  Đúng như vậy. Trong thực tế lịch sử nhân loại không có cuộc chiến tranh nào, không có một cuộc cách mạng nào nhờ vào ăn may, mà đều phải nhờ vào thực lực là chính. Người ta nói ăn may, thậm chí còn nói là ở Việt Nam lúc đó có khoảng trống quyền lực là không phải! Lúc đó ở Việt Nam có khoảng gần 100.000 quân Nhật và đội quân Nhật có mặt ở Đông Dương chưa từng thua một trận nào. Và theo kết luận của Hội nghị Pốt Đam thì quân Nhật vẫn có trách nhiệm duy trì trật tự ở những vùng quân Nhật chiếm đóng để rồi sẽ bàn giao cho quân Đồng minh. Trong điều kiện như vậy chỉ có Mặt trận Việt Minh hiệu triệu được dân chúng, đứng lên giành chính quyền. Cho nên, cuộc đấu tranh này không hề đơn giản, không phải là ăn may. Thắng lợi của cách mạng là thực sự vĩ đại.

PV: Vâng, trong khi mà cả dân tộc chúng ta đang hân hoan trong niềm vui với khí thế hào sảng của Cách mạng Tháng Tám thì vẫn còn những giọng điệu lạc lõng cất lên để xuyên tạc sự kiện lịch sử này? Vậy thì theo Giáo sư, tại sao những người này họ luôn cố tình xuyên tạc giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám của chúng ta?

Đồng chí Phạm Hồng Tung: Việc họ xuyên tạc lịch sử Cách mạng Tháng Tám là họ muốn phủ nhận ý nghĩa, tính chất chính nghĩa của việc Việt Nam tuyên bố độc lập và giành chính quyền, để họ hướng tới âm mưu lật đổ chế độ. Đây chính là sự tấn công trực diện vào chủ quyền, thành tựu cách mạng của nhân dân ta. Tôi cho rằng, những luận điệu xuyên tạc lịch sử đó không có giá trị về mặt khoa học. Vì ngay cả người Mỹ, người Pháp và những nhà sử học nghiêm túc trên toàn thế giới đều thừa nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám. Việc phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Tám hoàn toàn là bịa đặt, đây chỉ là mưu đồ chính trị của những người bất mãn với chế độ chính trị của chúng ta. Họ không xứng đáng để có chỗ đứng trong cộng đồng khoa học cũng như trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung.

Trường Giang (thực hiện)