Cô giáo Trịnh Thị Ngọc Thuý cùng các trò trên lớp.

Thực sự là hậu phương vững chắc của những quân nhân đang chắc tay súng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, đem lại sự bình yên cho nhân dân - đó là vợ bộ đội. Dù là thời bình nhưng hầu hết phải sống xa chồng nên những người vợ bộ đội vẫn phải gác lại mọi nhớ nhung để lo cơm áo gạo tiền và gánh vác công việc thay chồng nuôi dạy con cái học hành chăm ngoan, rồi việc cơ quan, việc họ hàng…

Chồng là sĩ quan ở Sư đoàn BB5 (Quân khu 7), thường xuyên vắng nhà, cả hai quê đều ởtỉnh Thanh Hoá nên bên nội, ngoại không có điều kiện đỡ đần, cô Vũ Thị Hồng - giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã thay chồng làm trụ cột gia đình và chăm sóc hai con nhỏ. Cả hai lần “vượt cạn” cô cũng không có chồng bên cạnh. Dù vậy, người vợ trẻ ấy luôn động viên, chia sẻ để chồng  yên tâm hoàn thành nhiệm vụ

Hai con còn nhỏ nên cô giáo Hồng vất vả nhân đôi. Mỗi buổi sáng, cô phải dậy sớm lo cho con ăn uống, sắp xếp đồ dùng học tập, đưa hai con đến trường rồi vội vào lớp. Chiều về, lại vội đến hai điểm trường đón con, về nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. tối đến vừa soạn giáo án, vừa kèm cho con học bài và chỉ được nghỉ ngơi sau 22 giờ đêm. Sợ nhất là những lúc con bệnh mà chồng đi công tác. Nhớ lần cháu gái Lê Thị Hồng Ngọc (sinh năm 2022) bị sốt xuất huyết, chồng đang đi công tác ở Đà Lạt, đưa con đến bệnh viện, một mình cô thức trắng đêm để chăm sóc. Cô cũng không gọi điện báo tin vì lo ảnh hưởng đến công việc của chồng, mà một mình lo liệu. Tự vượt lên hoàn cảnh, cô Hồng luôn cố gắng khắc phục... Chính từ hậu phương vững chắc được xây nên bằng tình yêu và công sức của vợ mà Thiếu tá Lê Quốc Oai luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Châu Thành nhận xét: “Có chồng là bộ đội ở xa, cuộc sống bận bịu, vất vả nhưng cô Hồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một giáo viên. Nhiều năm liền cô Hồng đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở và đươc Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng Bằng khen”.

Còn cô giáo Trịnh Thị Ngọc Thuý, vợ của Thượng tá Đinh Viết Hải - Chính trị viên Đồn Biên phỏng Tân Nam, Tân Biên, Tây Ninh cũng chịu cảnh “Ngưu Lang, Chức Nữ”. Đóng quân xa nhà, cả tháng anh Hải mới tranh thủ được hai ngày cuối tuần. Cô là giáo viên Trường tiểu học Hoàng Lê Kha, ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, Châu Thành. Với cô giáo Thuý, các kỳ nghỉ lễ, Tết thường chỉ có mấy mẹ con. Bởi đó là thời điểm chồng trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị, nhất là thời khắc đêm giao thừa, đón năm mới.

Mỗi lần được về phép, như để “chuộc lỗi” vắng nhà, anh Hải rất chăm chỉ làm hết mọi việc, từ giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu cơm… Nhìn anh chăm sóc gia đình khiến cô giáo Thúy cảm thấy mình là người may mắn, hạnh phúc và càng thêm tự hào, hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp và bà con lối xóm vì có chồng là bộ đội. Với nụ cười tươi tắn, cô bày tỏ: “Lúc đầu thấy gia đình bạn bè đồng nghiệp sum vầy, hạnh phúc mình cũng chạnh lòng, nhưng dần dần cũng quen. Hơn nữa, lấy vợ bộ đội thì ai cũng phải có sự cảm thông, vượt khó mới có thể vun đắp hạnh phúc gia đình để chồng yên tâm công tác”.

Cùng tâm trạng với cô giáo Thuý, chị Đoàn Thị Hường, công tác văn phòng tại UBND phường 2, T.P Tây Ninh, vợ của Thiếu tá Trần Văn Hải - đang công tác tại Sư đoàn BB5 bộc bạch: “Cưới nhau xong là anh đi công tác suốt. Cả hai đứa đều xa quê, tôi quê Quảng Bình, chồng quê Nghệ An, không có nội, ngoại đỡ đần, mọi chuyện trong gia đình một mình tôi gánh vác. Từ khi mang thai, đi khám, chích ngừa, làm các thủ tục xét nghiệm… tôi đều đi một mình. Đến khi vượt cạn, con đầy tháng anh mới được về. Người con gái nào cũng vậy, khi đã chấp nhận yêu và đồng ý làm vợ bộ đội thì đều có thể hình dung ra một phần cuộc sống thiếu vắng người chồng rồi. Nhưng, thật lòng mà nói, thời chiến thì buộc lòng phải xa chồng là lẽ đương nhiên. Còn thời bình thì người vợ nào cũng muốn chồng ở bên cạnh để làm “trụ cột” gia đình… Thế nên, tôi luôn cố gắng làm việc sao cho xứng đáng với anh ngày đêm vất vả, góp phần để gìn giữ đất nước được bình yên.

Mỗi gia đình của người lính đều có một câu chuyện cảm động. Nhưng đều có một điểm chung, đó là sự xa cách càng làm cho tình cảm vợ chồng thêm gắn bó, họ biết nâng niu, trân trọng những giây phút hiếm hoi được ở bên nhau và làm cho cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn. Những người vợ bộ đội trên khắp mọi miền đất nước luôn là điểm tựa về tinh thần, là hậu phương vững chắc để những người lính Cụ Hồ yên tâm công tác chắc tay súng bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thanh Hà