Những năm gần đây ở phía Bắc nước ta, nhiều đại gia góp vốn thi nhau xây chùa to. Cá biệt có ông sư tên là Thích Trúc Thái Minh (viết tắt là ông Minh), cũng xây được ngôi chùa trên núi rất to. Đó là chùa Ba Vàng, ở T.P Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Ngôi chùa Ba Vàng có từ thời đầu nhà Trần, trước đây nhỏ, bằng gỗ, ít người đến thăm viếng nên lâu ngày xuống cấp đã thành phế tích; sau này, vào khoảng những năm 1990 được dân địa phương xây lại 3 gian cũng rất khiêm nhường, trên diện tích khoảng 50m2, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đắng, nhìn ra phía trước là Bạch Đằng Giang; bên phải, bên trái là dãy núi Bạch Hổ và Thanh Long.
Chùa không có dấu tích lịch sử, truyền thống gì đáng kể. Nhưng chỉ sau hai năm về trụ trì, ông Minh xin được xây dựng lại chùa trên diện tích rộng tới 21,8ha, với quy mô to lớn kỷ lục, bằng tiền xã hội hóa, khoảng hơn 500 tỷ đồng. Ngày 9-3-2014, chùa khánh thành và nhận bằng kỷ lục: “Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương”…
Khỏi phải nói chùa Ba Vàng mới, rộng lớn, nguy nga tráng lệ đến mức nào. Vì nó rộng lớn, nguy nga thật, lại được “thổi” lên bởi tài hùng biện của ông Minh. Thông qua miệng các phật tử cũng có, nhưng chủ yếu là trên mạng xã hội. Chỉ cần vào mục tìm kiếm trên in-tơ-nét, gõ ba từ “chùa Ba Vàng” thì lập tức xuất hiện hàng chục bài viết; vi-đi-ô giới thiệu về chùa rất sinh động.
Nhưng cũng kể từ ngày 12-7-2019, ngày ông Minh bị Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bãi nhiệm tất cả chức vụ trong Giáo hội do nhiều sai phạm, thì đồng thời với giới thiệu về chùa còn có cả những bài viết đề cập đến những việc làm “phá đạo” của ông Minh. Kể cả Lễ cúng dường bằng tiền, vừa xảy ra ngày 10-7-2022, do ông tổ chức tại chùa Ba Vàng cũng được post lên mạng rất chi tiết. Đáng chú ý là UBND T.P Uông Bí yêu cầu chùa phải gỡ bỏ clip trên mạng xã hội và đề nghị rút kinh nghiệm trước việc cúng dường trong lễ Vu Lan.
Tại sao từ ngày xây chùa to, ông Minh cứ mắc hết “chứng” nọ, đến “tật” kia thế?
Tất nhiên sâu xa là ông Minh không hiểu, hay cố tình không hiểu đạo Phật. Nhưng nguyên nhân trực tiếp là do ông xây ngôi chùa to quá, không tương xứng với điều kiện, vị trí, địa lý, lịch sử của chùa - giống như cuốn sách nhiều trang, nhưng ít thông tin.
Công trình gì cũng thế, nhất là chùa chiền, miếu mạo, xây rồi còn phải tính nguồn kinh phí tương ứng để trùng tu bảo quản và phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Dĩ nhiên, công trình càng to thì kinh phí tu bổ càng lớn. Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng để phục vụ cho quần thể rộng tới hơn 20ha, với nhiều hạng mục công trình đồ sộ như chùa Ba Vàng thì nguồn kinh phí chắc chắn là không nhỏ. Và nguồn kinh phí đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ các hoạt động của chùa.
Mà hoạt động của chùa, dù là đến thăm viếng, nghe giảng kinh, hay thực hành các nghi lễ tôn giáo thì tựu trung lại cũng chỉ với mục đích tín ngưỡng, hướng tới chân lý của đạo Phật, là sống đẹp, sống đạo đức, sống thánh thiện… nên sự đóng góp của phật tử cũng chỉ là “một li, một lai” lòng thành thôi; chứ không thể biến chùa thành nơi kinh doanh, chụp giật suồng sã được.
Chính vì thế mà các chùa nói chung, chùa Ba Vàng nói riêng không phải là chốn đua chen những kỷ lục về xây dựng; càng không phải tâm linh phụ thuộc ở chùa to, hay chùa nhỏ, mà phải là nguồn cội hội tụ của bề dày lịch sử phật pháp.
Trong khi ông Minh đưa vào trưng bày trong chùa cả những hiện vật sinh hoạt cá nhân!, với “lý sự” là những hiện vật của ngày đầu vật lộn xây dựng chùa! Đây là việc làm trái cả với đạo lý và đạo pháp, chưa hề xảy ra ở bất cứ ngôi chùa nào của nước ta, chắc chắn sẽ không khỏi gây phản cảm cho phật tử.
Đó là chưa nói, ngay cạnh chùa Ba Vàng lại có chùa Đồng trên dãy núi Yên Tử hùng vĩ. Tuy chùa chỉ rộng có 50m2, nhưng lèn chứa ăm ắp lịch sử truyền thống cội nguồn tâm linh đạo Phật nước ta. Chùa Đồng cũng là địa điểm được Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành sau khi truyền ngôi và thành lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng Phật giáo đặc trưng ở Việt Nam.
Rõ ràng chùa Đồng là nơi khách chọn lựa đến hơn là chùa Ba Vàng.
“Thu” và “chi”; “hiện tại” và “tương lai”, là bài toán đặt ra hết sức nghiêm túc với các công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, nên không thể xây dựng một cách tùy hứng. Và càng không thể “núp bóng Chùa” làm trò phi pháp được. Chả thế mà thành ngữ nước ta có câu, đúng cả với nghĩa bóng và nghĩa đen: “Đi với bụt mặc áo cà sa/ Đi với ma mặc áo giấy”.
Vừa hài hước, vừa xúc phạm vào nền an ninh quốc gia nhất là lời “bóng gió” của mạng xã hội, bảo ông Minh là tình báo công an! Lại còn “phong” cho ông Minh lên đến cấp đại tá. Nghe ngượng!
Bây giờ ông Minh lại chuyển về Ban Tôn giáo của một tỉnh khác rồi, để lại chùa Ba Vàng! Ai sẽ về trụ trì, chăm lo cho chùa Ba Vàng thế nào đây?
Huy Thiêm