Singularity là thuật ngữ thường được dùng trong toán học, vật lý và khoa học máy tính. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ điểm cực cùng khi một sự vật biến đổi sâu sắc và không thể đảo ngược, làm thay đổi cơ bản cách hiểu và sự trải nghiệm về sự vật đó.
Thuật ngữ singularity đang được nói đến nhiều nhất hiện nay là singularity về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ở đây, singularity được hiểu là điểm cực cùng dẫn đến một tương lai khi AI vượt qua toàn bộ trí tuệ của loài người và trở thành siêu AI. Bắt đầu từ thời điểm này, sự tiến hóa theo cấp số nhân về trí tuệ của siêu AI sẽ làm biến đổi một cách nhanh chóng, cơ bản và triệt để xã hội loài người.
Trong tiếng Việt, singularity có thể được dịch là “điểm cực cùng”. Tuy nhiên, cũng như thuận ngữ internet, giữ nguyên thuật ngữ singularity sẽ là phù hợp hơn cả.
Ý tưởng về singularity của trí tuệ nhân tạo được nhà toán học Vernor Vinge đưa ra vào những năm 1980 và được phát triển, cũng như tranh luận bởi nhiều nhà khoa học danh tiếng. Một số nhà khoa học cho rằng singularity là cơ hội mang tính huyền thoại cho xã hội loài người. Một số nhà khoa học khác lại cho rằng singularity là mối đe dọa đối với sự tồn tại của xã hội loài người, khi siêu trí tuệ của AI vận hành bên ngoài sự hiểu biết và sự quản lý của con người.
Singularity sẽ là sự khởi đầu của một cuộc cách mạng vĩ đại nhất về khoa học, công nghệ làm thay đổi một cách căn bản và triệt để mọi mặt đời sống của xã hội loài người. Khi đạt được singularity, AI có thể tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc cho xã hội loài người. Mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, tài chính - ngân hàng đều được tự động hóa. Các người máy thông minh (robot) có khả năng tự học, tự thực hiện nhiệm vụ và quản lý chính chúng và thậm chí điều kiển tự động máy bay, xe, tàu không người lái… Hàng hóa, dịch vụ có thể được tạo ra vô tận, đáp ứng mọi nhu cầu của con người.
Thậm chí siêu AI có thể tác động vào cấu trúc của gen để con người có trở nên bất tử, không bao giờ già và không bao giờ chết.
Tuy nhiên, những tác động không mong muốn cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là nguy cơ thất nghiệp. Theo dự báo của các nhà khoa học, trong vài ba năm tới, 3,5 triệu lái xe tải đường dài ở Mỹ hoàn toàn có thể mất việc làm, vì AI sẽ lái những chiếc xe này một cách an toàn và hiệu quả hơn nhiều. Sau các lái xe tải, sẽ là tất cả những người làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế bến, là các nhân viên nhà hàng, các nhà báo, các luật sư… Sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội và khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng có thể xảy ra. Đó là chưa nói tới những thay đổi đột biến về văn hóa và giá trị mà ở thời điểm hiện nay nhân loại vẫn chưa hình dung hết được. Sau cùng là rủi ro, khi AI đạt được tự nhận thức, thì loài người có còn là đối tượng phục vụ của AI nữa hay không hay loài người sẽ bị AI cai trị hoặc tiêu diệt?
Với những rủi ro chưa thể lường trước được, mới đây tỷ phú Elon Musk và 100 nhà khoa học nổi tiếng khác đã kêu gọi tạm đình chỉ việc phát triển AI trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lời kêu gọi này khó lòng được chấp nhận. Bởi vì rằng nếu Mỹ dừng phát triển AI, thì Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục phát triển AI. Ông Putin đã từng khẳng định: “Ai làm chủ AI, thì người đó sẽ thống trị thế giới”. Những chuyện khác không biết ông Putin nói có đúng hay không, nhưng chuyện AI thì ông ấy hoàn toàn chính xác! Sẽ không dân tộc nào muốn bị dân tộc khác thống trị, nên cuộc đua phát triển AI đầy rủi ro là khó có thể bị đảo ngược.
Nhân đây, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài cuộc đua này, nếu chúng ta muốn giữ vững nền độc lập và tự do của mình. Phát triển siêu AI của Việt Nam là một chiến lược bắt buộc phải có. Đây không còn là vấn đề kinh tế, không còn là vấn đề khoa học - công nghệ, mà đang là vấn đề quốc phòng, an ninh hết sức nóng bỏng của chúng ta.
Theo dự đoán của nhà khoa học máy tính và tương lai học nổi tiếng Kurzweil, thì singularity sẽ xảy ra vào khoảng năm 2045. Một số nhà khoa học lại dự đoán phải mất một vài thế hệ nữa singularity mới xảy ra. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của ChatGPT do Công ty OpenAI chế tạo, Chatbox Bard do Google và nhiều ứng dụng AI khác, có vẻ như AI đang trở thành siêu trí tuệ vượt qua trí tuệ của con người một cách hết sức nhanh chóng. Thời gian singularity xảy ra chắc chắn sẽ còn không xa nữa.
Có vẻ như xã hội loài người chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đón nhận cuộc cách mạng mang tên singularity này. Điều quan trọng nhất hiện nay là xây dựng một khuôn khổ pháp luật quốc tế về AI để khi singularity xảy ra, thì AI vẫn chỉ là công cụ để phục vụ loài người, chứ không phải là ông chủ thống trị loài người. Các nhà khoa học và các nhà ngoại giao Việt Nam cần góp phần tích cực vào việc xây dựng khuôn khổ pháp luật này.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng