Phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội ngày 21-10-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn cuả điểm nghẽn”, vì nó cản trở hầu hết các hoạt động phát triển.
Vậy thể chế là gì?
Thể chế là hệ thống gồm các thiết chế (cơ quan, tổ chức), quy tắc, luật lệ (khung pháp lý) và môi trường vận hành (văn hóa, giá trị xã hội) được xác lập để điều chỉnh, duy trì trật tự và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; thể chế gồm ba cấu thành cơ bản: Các thiết chế, các quy tắc, luật lệ. Môi trường vận hành, hay còn gọi là môi trường thể chế. Nguyên nhân cơ bản khiến các thiết chế gây nghẽn thể chế là năng lực hạn chế; thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình, dẫn đến tình trạng lạm quyền và tham nhũng, làm giảm niềm tin của công chúng; sự phối hợp không đồng bộ hoặc chồng chéo trong chức năng giữa các thiết chế gây ra sự trì trệ và mâu thuẫn trong thực hiện các quy định, chính sách; cấu trúc quá nhiều tầng nấc và quy trình hành chính phức tạp gây tốn thời gian và nguồn lực, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động.
Các quy tắc, luật lệ gây nghẽn thể chế là do các quy định phức tạp, nhiều tầng nấc hoặc chồng chéo giữa các cơ quan khiến cho việc thực thi trở nên rườm rà, gây chậm trễ và tăng chi phí; quy định không được cập nhật, không theo kịp những thay đổi về kinh tế - xã hội và công nghệ, dẫn đến khó khăn trong thực thi, làm cản trở phát triển; thiếu minh bạch dẫn đến diễn giải sai, hoặc hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo cơ hội cho tham nhũng, nhũng nhiễu và làm giảm lòng tin của công chúng, cứng nhắc và thiếu linh hoạt. Một số quy định không có ngoại lệ hoặc không cho phép điều chỉnh linh hoạt trong các tình huống đặc thù, khiến các cơ quan khó xử lý nhanh chóng và hiệu quả; thiếu cơ chế giám sát và phản hồi. Khi các quy định không có hệ thống giám sát và thu nhận ý kiến phản hồi, các vấn đề tồn đọng không được phát hiện kịp thời, làm trì trệ và giảm hiệu quả của toàn bộ hệ thống.
Môi trường thể chế là tập hợp các yếu tố văn hóa, truyền thống, hệ thống giá trị và tâm lý xã hội ảnh hưởng đến cách thức mà các thiết chế được tiếp nhận, vận hành và duy trì trong một xã hội. Đây là nền tảng tinh thần và xã hội hỗ trợ hoặc cản trở việc thực thi luật pháp, triển khai chính sách và thực hiện cải cách, góp phần định hình thái độ, hành vi và sự hợp tác của các thành phần trong hệ thống thể chế. Nguyên nhân gây nghẽn thể chế là: Tâm lý ngại thay đổi và bảo thủ. Tư duy bảo thủ và ngại đổi mới trong xã hội làm cản trở việc tiếp nhận cải cách và áp dụng các chính sách mới; thiếu minh bạch và niềm tin. Khi môi trường thiếu minh bạch, niềm tin của người dân vào các thể chế giảm, làm giảm sự hợp tác và tuân thủ trong xã hội; hệ giá trị xã hội không khuyến khích đổi mới. Các giá trị văn hóa hoặc truyền thống quá cứng nhắc có thể không khuyến khích sáng tạo và cải cách, gây trì trệ trong quá trình phát triển; tâm lý phụ thuộc và thiếu chủ động. Tâm lý trông chờ vào Nhà nước hoặc các cấp quản lý mà không có sự chủ động từ cộng đồng và các tổ chức xã hội làm giảm động lực cải thiện và thúc đẩy thay đổi; thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội. Khi trách nhiệm xã hội chưa được coi trọng, các tổ chức và cá nhân ít có động lực thực hiện cải cách và thúc đẩy tính bền vững.
Để tháo gỡ “nghẽn thể chế” một cách hiệu quả, điều quan trọng là phải nhận biết đầy đủ các nguyên nhân gây nghẽn trong cả ba cấu thành của thể chế - các thiết chế; quy tắc, luật lệ, môi trường thể chế để tích cực xử lý chúng.
Ba cấu thành này luôn tác động và bổ trợ lẫn nhau trong vận hành hệ thống. Khi một trong ba yếu tố bị nghẽn, nó sẽ làm giảm hiệu quả của các yếu tố còn lại. Ví dụ, nếu quy tắc quá phức tạp, dù thiết chế có năng lực cao và môi trường cởi mở thì hệ thống vẫn sẽ chậm trễ. Vì vậy, chỉ khi giải quyết đồng bộ, các thành phần mới hỗ trợ nhau để vận hành hiệu quả.
Xác định và xử lý các nguyên nhân cụ thể trong từng cấu thành giúp cải thiện từ gốc rễ, tạo nền tảng vững chắc cho các cải cách khác. Điều này không chỉ giải quyết các điểm nghẽn hiện tại mà còn ngăn ngừa các điểm nghẽn tương tự trong tương lai, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.
Các thiết chế hiệu quả, quy tắc minh bạch và môi trường khuyến khích đổi mới sẽ giảm thiểu chi phí, tăng tốc độ xử lý, và khuyến khích sự hợp tác xã hội sẽ thúc đẩy không chỉ việc thực thi các chính sách mà còn tăng cường niềm tin và sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển.
Khi cả ba cấu thành của thể chế đều hoạt động hài hòa, chúng tạo ra một hệ thống hỗ trợ lẫn nhau, giúp đất nước thích nghi tốt hơn với thách thức mới, từ đó tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc và bền vững.
Tóm lại, việc nhận diện và xử lý các nguyên nhân gây nghẽn trong từng cấu thành của thể chế là thiết yếu để tạo ra hệ thống quản trị quốc gia linh hoạt, hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và dài lâu.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng