Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Australia - Anthony Albanese.
Cái bắt tay thật chặt bên ngoài Điện Elýsée giữa Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia - Anthony Albanese đã đánh dấu một điểm khởi đầu mới đặc biệt quan trọng trong lịch sự quan hệ giữa hai nước, thổi một làn gió mới vào quan hệ nguội lạnh trong suốt gần một năm qua giữa hai quốc gia vốn rất thân thiết.
Quan hệ giữa Canberra và Paris đột ngột đổ vỡ tháng 9-2021, khi “xứ sở chuột túi” bất ngờ “quay xe” khi hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp để chuyển sang thực hiện thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ đối tác an ninh mới với Mỹ và Anh (AUKUS). Theo thỏa thuận được ba bên công bố ngày 15-9-2021, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Như vậy, Australia sẽ là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958. Thủ tướng Australia khi đó là ông Scott Morrison tuyên bố nước này đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu để giải thích cho việc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp. Quyết định trên của ông Morrison đã kéo theo phản ứng mạnh mẽ từ Paris. Tổng thống Macron khi đó cáo buộc ông Morrison lừa dối Pháp và đã triệu Đại sứ Pháp tại Australia về nước trong một thời gian ngắn. Những cụm từ như “đâm dao sau lưng” hay “phản bội” cũng đã được phía Pháp sử dụng để nói về Australia. Ngay cả trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Albanese sau khi ông đắc cử, Tổng thống Pháp tái khẳng định rằng vấn đề tàu ngầm đã gây tổn hại sâu sắc lòng tin giữa hai nước.
Thực sự, quan hệ Australia - Pháp được hàn gắn cũng nhờ Công đảng của ông Albanese thắng cử hồi tháng 5 vừa qua bởi nếu người tiền nhiệm Morrison còn tại vị thì không thể dễ xoa dịu người Pháp. Australia “quay xe” trong hợp đồng tàu ngầm vì lợi ích quốc gia trong khi Pháp mất uy tín, cảm thấy bị phản bội và mất lòng tin nghiêm trọng vào Chính phủ Australia khi đó. Chuyến thăm Pháp ngày 1-7 cùng tuyên bố bồi thường cho Tập đoàn đòng tàu Naval của Pháp 585 triệu USD vì hợp đồng đổ vỡ đã giúp hai nước bước sang một chương mới trong quan hệ bang giao.
Xem kỹ bản tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Australia và Pháp mới thấy dù quan hệ song phương có thời điểm rơi vào khủng hoảng nhưng lợi ích quốc gia lâu dài là điều không bên nào muốn từ bỏ. Australia và Pháp là hai quốc gia của cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và có chung lịch sử hợp tác lâu dài trong khu vực, bao gồm các vùng lãnh thổ thuộc Pháp như New Caledonia, Polynesia thuộc Pháp, Wallis và Futuna và Đảo Réunion. Hai nước chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa nhập và kiên cường, dựa trên đối thoại và các sáng kiến chung với các đối tác trong khu vực. Để đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển, hai nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập một chương trình hợp tác mới dựa trên ba trụ cột: Quốc phòng - an ninh, khả năng phục hồi - hành động vì khí hậu và giáo dục - văn hóa. Pháp và Australia khẳng định sẽ đưa ra các sáng kiến tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng không, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, nâng cao khả năng chống chịu trong không gian mạng, công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng. Chủ đề khai thác khoáng sản quan trọng, thúc đẩy công nghệ sản xuất hydro và hợp tác về công nghệ phát thải thấp, cơ sở hạ tầng sạch và các giải pháp “dựa trên tự nhiên” được đặc biệt quan tâm.
Làn gió mới mát lành đã ùa về, thúc đẩy quan hệ song phương Australia - Pháp khởi sắc. Ông Macron khẳng định hai bên tập trung thảo luận về tương lai, chứ không về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Trong khi đó, ông Albanese nhấn mạnh: “Mục tiêu của tôi không phải là đưa mối quan hệ trở lại như xưa, mà là thúc đẩy mối quan hệ tiến lên. Pháp là một cường quốc trọng yếu ở châu Âu và ở cả Thái Bình Dương. Và vì vậy mối quan hệ này rất quan trọng”. Một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canberra và Paris đã khép lại, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho cả hai nước và đây cũng là tin tốt lành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhiều sóng gió thời gian qua.
Thanh Huyền