Thanh niên xung phong tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ.
Thu – Đông 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi chiến dịch. Biết bao câu chuyện được nhiều người truyền tụng nhau xoay quanh chuyến xuất hành lịch sử "có một không hai" này của Bác. Nào là "Bác hóa trang khéo đến mức nhiều lần đi hòa lẫn vào các đoàn bộ đội và dân công mà không ai phát hiện ra". Nào là "Bác thường đi chân đất; chỉ nơi nào nhiều đá mới xỏ dép". Nào là "Bác đem theo cả chiếc chiếu và cũng đeo bao gạo như những người khác khi ra trận". Rồi nào là"Bác phải đi bộ từ ATK Thái Nguyên lên Cao Bằng mất 8 ngày đêm"...
Chưa có ai kiểm chứng tính xác thực của những câu chuyện kể trên, song có những mẩu chuyện đã được lịch sử ghi nhận một cách chính thống. Đó là trên đường hành quân bộ từ ATK Việt Bắc lên Cao Bằng, được chứng kiến cảnh hàng vạn Thanh niên xung phong và dân công hừng hực khí thế đang hăm hở hướng ra mặt trận, Bác hết sức xúc động. Một buổi trưa dừng chân nghỉ tại một lán nhỏ bỏ hoang ven đường, Bác cùng đoàn tùy tùng gặp một toán thanh niên xung phong đi qua cũng ghé vào đây. Vì Bác hóa trang trong vai "một ông Cụ" người dân tộc nên không ai nhận ra. Tuy nhiên nhìn dáng vẻ quắc thước, có hiểu biết và dễ gần, một anh trong nhóm đã mon men đến gần và hỏi Bác: "Thưa Cụ! Đã có lệnh Tổng phản công từ lâu, sao mãi tới bây giờ vẫn chưa bắt đầu ?". Bác hỏi lại: " Chú đã có con chưa?". Anh thanh niên hồn nhiên trả lời: "Thưa Cụ, cháu chưa có vợ ạ". Bác mỉm cười: "Như vậy thì đúng là chú chưa biết rồi. Người phụ nữ mang thai cũng phải mất chín tháng mười ngày mới đẻ. Ta muốn Tổng phản công cũng phải có chuẩn bị. Đâu phải cứ nói "Tổng" là làm được ngay".
Khi đi qua địa bàn tỉnh Bắc Cạn, Bác cùng đoàn tùy tùng ghé thăm một đơn vị Thanh niên xung phong đang mở đường phục vụ chiến dịch. Tự hào và cảm kích trước tinh thần "dời non, lấp biển" của tuổi trẻ, Người đã làm một bài thơ tặng Thanh niên xung phong:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Những vần thơ đó đã trở thành phương châm sống và hành động của tuổi trẻ Việt Nam suốt hàng chục năm qua.
Long Trần