Cô giáo Trần Thị Khánh Toàn.
Nhắc đến cô giáo Trần Thị Khánh Toàn (Khánh Toàn), nhiều thế hệ phụ huynh, học sinh các tỉnh Nghệ An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đều nói lên những tình cảm trìu mến, trân trọng.
Cuộc đời của cô giáo Khánh Toàn từng “xuôi, ngược”, lúc ra Bắc, khi vào Nam. Cuối cùng, điểm dừng chân trong sự nghiệp nhà giáo của Khánh Toàn là mảnh đất Vũng Tàu xinh đẹp.
Đầu năm 1981, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, cô trở thành giáo viên của Trường Phước Lễ A, Châu Thành (Đồng Nai). Cô để lại dấu ấn bởi phương pháp giảng dạy độc đáo, trở thành thủ khoa của tỉnh Đồng Nai trong kỳ thi giáo viên giỏi năm ấy với bài giảng “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.
Năm 1983, cô giáo trẻ Khánh Toàn “theo chồng về dinh”. Trên “đất học” Nghệ Tĩnh, cô đã khẳng định với nhiều thành tích nổi bật: Hai lần thủ khoa trong kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Lần thứ nhất vào năm 1989 trong cuộc thi tổ chức tại thị xã Hà Tĩnh (nay là T.P Hà Tĩnh) - cô giành điểm cao nhất cuộc thi với bài giảng “Chiếc nhẫn bằng thép” của tác giả K.G.Paustovsky - nhà văn Nga nổi tiếng, từng được đề cử Nobel văn học năm 1965. Lần thứ 2, vào năm 1993 cô đạt thủ khoa với số điểm tuyệt đối 20/20, tạo tiếng vang trong cuộc thi trí tuệ tập trung nhiều giáo viên giỏi của tỉnh Nghệ An, tại trường Lê Lợi, thành phố Vinh.
Cuối năm 1993, sau tách tỉnh Nghệ Tĩnh, Khánh Toàn rời quê hương, chuyển công tác vào Bà Rịa - Vũng Tàu. Cô được nhận vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, khi đó mới thành lập được 2 năm. Tại đây, Khánh Toàn cùng nhiều thầy, cô giáo khác trở thành “thế hệ vàng” đầu tiên của trường và có 23 năm cống hiến.
Khánh Toàn nhớ lại, nhà trường có một tập thể giáo viên tài năng, đoàn kết, nhiệt huyết. Bản thân mình được tạo điều kiện để hoàn thành công việc. Cô được giao dạy các lớp chuyên Văn, phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi thi quốc gia, thanh tra chuyên môn của Sở GDĐT, tham gia các hoạt động đoàn thể của trường.
Công việc nào Khánh Toàn cũng “tròn vai”, “cháy” hết mình. Cô đã mang về cho trường nhiều thành tích xuất sắc như: Huy chương Vàng hội diễn của ngành, thủ khoa giáo viên giỏi cấp tỉnh với số điểm tuyệt đối 20/20 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; 2 tiết dạy toàn quốc xuất sắc do Bộ GDĐT tổ chức nhằm ứng dụng CNTT và đổi mới phương pháp dạy học.
Khánh Toàn nhớ nhiều dấu ấn về những ngày tháng trên bục giảng. Cô kể: Năm 2004, tại trường chuyên Lương Thế Vinh tỉnh Đồng Nai, với bài giảng “Thương vợ” của Trần Tế Xương và năm 2015 tại Bà Rịa - Vũng Tàu với bài giảng “Vợ nhặt” của Kim Lân. Bài giảng của cô để lại ấn tượng bởi cách thiết kế thông minh, linh hoạt, đầy bất ngờ, kết hợp với chất giọng ấm áp, có sức truyền cảm tạo hứng thú, cuốn hút người nghe của cô giáo tài hoa.
Nhờ được học những giờ Văn như vậy, học sinh của cô Khánh Toàn đã đưa về cho trường chuyên Lê Quý Đôn hàng chục giải thưởng cao nhất trong các kỳ thi lớn: Olympic, học sinh giỏi quốc gia, góp phần làm nên thương hiệu Trường chuyên Lê Quý Đôn. Sự cống hiến ấy của cô Khánh Toàn cũng được ghi nhận qua nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ GD-ĐT…
Cuộc đời ai cũng có những “thăng trầm” riêng. Khánh Toàn không ngoại lệ. Năm 2007, cô phát hiện mang bệnh ung thư. Trong cơn bạo bệnh, cô càng hiểu niềm hạnh phúc của nghề giáo khi được sự quan tâm của phụ huynh, đồng nghiệp và đặc biệt là học sinh trường chuyên Lê Qúy Đôn. Các em đã xếp tặng cô 9.000 con hạc giấy thay ước ao, cầu mong cô khỏi bệnh. Như một phép màu, cô đã vượt qua bệnh tật và tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Sau khi được nghỉ hưu, Khánh Toàn đã xây dựng thêm 2 cơ sở giáo dục: Trung tâm Dạy kèm văn hóa và Trung tâm Ngoại ngữ Khánh Toàn tại 58 - 60 đường Cô Giang, phường 4, TP. Vũng Tàu. Đây là hai địa chỉ tin cậy cho hàng nghìn học sinh trong và ngoài tỉnh.
PGS.TS văn học Vũ Nho đánh giá: "Khánh Toàn có một tài năng thiên bẩm về cảm thụ văn học. Nhà cô ấy rất nhiều sách, đặc biệt mê văn chương. Khánh Toàn nói năng gãy gọn, truyền cảm, tâm hồn thơ ca, có kỹ năng cao trong việc sử dụng thông tin khi giảng bài, do vậy học sinh rất mê. Một lần đứng lớp là một lần truyền cảm hứng”. Theo PGS.TS Vũ Nho, với giáo dục phổ thông hiện nay, những cô giáo có năng lượng truyền thụ kiến thức, truyền cảm hứng như cô giáo Khánh Toàn rất hiếm. Không phải tự nhiên, ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu phụ huynh từ lâu đã truyền nhau câu “Văn cô Toàn, toán thầy Bút”. Được học văn cô Khánh Toàn, học toán thầy Nguyễn Viết Bút là niềm tự hào của mọi học sinh.
“Tôi yêu văn chương, mong truyền trao vẻ đẹp ấy cho học sinh bởi “Văn học là nhân học”. Học văn, các em sẽ có cái nhìn tinh tế hơn, tâm hồn được nuôi lớn bởi cái đẹp của văn chương và ngọn lửa ấy sẽ còn mãi trong tâm hồn học sinh, thắp sáng cuộc đời. Tôi tin cách dạy biết vận dụng công nghệ có phương pháp dạy học phù hợp, biết tổ chức lớp học giúp học sinh chủ động khám phá, biết truyền cảm hứng… học sinh vẫn mãi yêu môn văn, mong đợi học văn”, Khánh Toàn chia sẻ.
Khánh Toàn còn là cô giáo có trái tim nhân hậu. Hằng năm, cô miệt mài chung tay với MTTQ tỉnh trong công việc thiện nguyện, nhằm lan tỏa yêu thương đến nhiều số phận bất hạnh, người mù, người bệnh ung thư, người già không nơi nương tựa, học sinh nghèo, mồ côi… Trong đại dịch Covid-19, Khánh Toàn đã tặng hàng trăm phần quà ủng hộ người nghèo. Cô đã được UBND T.P Vũng Tàu tặng Giấy khen nhằm ghi nhận tấm lòng nhân ái của một cô giáo giỏi nghề, nặng ân tình dành cho những cuộc đời kém may mắn.
“Tải văn”, “tải đạo” suy cho cùng đó là hành trình dấn thân vì cái đẹp. Đó là mục đích sống và cô giáo Khánh Toàn đã 30 năm theo đuổi. Cô tự hào được dấn thân thầm lặng vì sự nghiệp “trồng người”.
Ngô Đức Hành