“Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to” là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta vào ngày 22-7-1954, một ngày sau khi Hội nghị Giơnevơ kết thúc thắng lợi.
Đặt trong bối cảnh cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ, ác liệt của toàn dân, toàn quân ta chống thực dân Pháp xâm lược; đặc biệt, trong bối cảnh Hội nghị Giơnevơ gần như được sắp đặt, quyết định bởi các nước lớn: Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh (thời điểm đó, Trung Quốc chưa có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc), mới thấy giá trị, ý nghĩa to lớn mà ta giành được qua ký kết Hiệp định
Đã gần 80 năm trôi qua, nhưng mỗi lần đọc lại “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới thấy khát vọng hòa bình của Bác, của Đảng và của toàn Dân ta, đã bị thực dân Pháp khước từ. Hy vọng loại bỏ một cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chúng ta đã nhân nhượng. Theo đó, Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946; nhưng thực dân Pháp vẫn nổ súng xâm lược đất nước ta. Và một lần nữa cả Dân tộc ta buộc phải cấm súng kháng chiến chống Pháp.
Cho đến trước khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Expressen của Thụy Điển (tháng 11-1953) về khả năng đàm phán đi tới kết thúc chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng theo ý muốn đó… Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thực thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam” (“Bác Hồ và Hiệp định Giơnevơ”, báo điện tử của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, 18-7-2014). Tuyên bố của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thu hút sự chú ý của quốc tế, nhất là ở Pháp - nơi mà dư luận đang từng ngày hối thúc Chính phủ Pháp nhanh chóng đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh để tìm ra giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.
Nhằm khôi phục hòa bình, kết thúc chiến tranh ở Triều Tiên và tìm lối thoát cho cuộc chiến xâm lược Đông Dương của Pháp, Hội nghị Giơnevơ chính thức khai mạc ngày 26-4-1954, nhưng chỉ đến ngày 8-5-1954, đúng một ngày sau khi quân Pháp thất thủ hoàn toàn ở Điện Biên Phủ thì vấn đề hòa bình ở Đông Dương mới được đặt lên bàn Hội nghị.
Trải qua 75 ngày đàm phán với 7 phiên họp toàn thể và 24 phiên họp hẹp (có tài liệu ghi 8 phiên họp toàn thể, 23 phiên họp cấp Trưởng đoàn) cùng nhiều hoạt động tiếp xúc ngoại giao căng thẳng, phức tạp, Hiệp định Giơnevơ được ký vào ngày 21-7-1954. Cùng với Bản tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời và Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do để thống nhất mỗi nước.
Mặc dù còn một số nội dung của Hiệp định chưa phản ánh đầy đủ tương quan thế và lực giữa các bên tham gia cuộc chiến, cũng như chưa phản ánh được thắng lợi của ta trên chiến trường, nhưng với Hiệp định Giơnevơ, lần đầu tiên trong lịch sử Dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được thừa nhận trong một điều ước quốc tế và được các nước dự Hội nghị thừa nhận. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược; chấm dứt hoàn toàn sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam; mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam: Thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc; đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu: Độc lập dân tộc, thống nhất Đất nước.
Hiệp định Giơnevơ là kết tinh đường lối cách mạng, đường lối, nghệ thuật ngoại giao đúng đắn, tài tình của Đảng và Bác Hồ cùng bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng hòa bình của con người Việt Nam, cộng với kết quả đấu tranh bền bỉ, quật cường của toàn dân, toàn quân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thành công của Hội nghị và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954 là một mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam; để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Bao trùm tất cả là bài học quán triệt, thực hiện đường lối lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Bên cạnh đó là các bài học: Về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc; Kiên định mục tiêu, nguyên tắc, nhưng mềm dẻo, linh động về sách lược ngoại giao, với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn sức mạnh đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế; Nghiên cứu đánh giá đúng bối cảnh tình hình, tương quan lực lượng, “biết mình, biết người” để có những bước đi, quyết sách hợp thời, hợp thế; Kết hợp đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên bàn hội nghị với tung những đòn tiến công chiến lược quyết định trên chiến trường để giành thắng lợi cuối cùng…
Thắng lợi của Hội nghị Gơnevơ 1954 là một trong những tiền đề để Đảng, Nhà nước ta tiến hành thắng lợi cuộc đàm phán, đi tới ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam ngày 27-3-1973; lãnh đạo toàn Dân, toàn Quân thực hiện Di huấn của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút”; tiến tới “Đánh cho ngụy nhào” ngày 30-4-1975; kết thúc toàn thắng sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.
Duy Tường