Đồng chí Tòng Thị Phóng (thứ năm bên phải sang) cùng với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các đại biểu dự Hội thảo.
Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 13-4 đến 3-5-1953 mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào, ngày 13-4-2023, Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Tới dự Hội nghị có đồng chí Tòng Thị Phóng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội. Đồng chủ trì Hội thảo có Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Ủy viên Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn - Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương - Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.
Đoàn đại biểu nước CHDCND Lào do ông Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam dẫn đầu tới tham dự Hội thảo.
Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thành quả của việc hiện thực hóa phương châm đoàn kết quốc tế “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của quân đội và lực lượng vũ trang cách mạng hai nước. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, QĐND Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện thành công một chiến dịch dài ngày và lớn nhất trên chiến trường Lào, giành thắng lợi.
Sau thất bại ở Tây Bắc năm 1952, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, nên đầu năm 1953, quân Pháp tăng cường củng cố thế phòng ngự nơi đây; trong đó tập trung xây dựng Sầm Nưa, cửa ngõ của Thượng Lào thành một tập đoàn cứ điểm gồm 11 vị trí do 3 tiểu đoàn trấn giữ. Đây là nơi địch tập trung quân đông nhất ở Lào thời điểm đó, nhằm ngăn chặn hoạt động của QĐND Việt Nam tiến sang Thượng Lào. Cùng với Sầm Nưa, tại Xiêng Khoảng, địch cũng bổ sung lực lượng, tăng cường tổ chức phòng ngự. Trước hành động của quân Pháp, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua kế hoạch hoạt động Xuân - Hè 1953, quyết định mở Chiến dịch Thượng Lào. Theo kế hoạch, QĐND Việt Nam phối hợp với Lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào tiến công địch ở Thượng Lào. Với phương châm tác chiến là dùng cách đánh vận động, nhanh chóng hành quân từ xa tới bao vây khống chế, không cho địch tăng viện hoặc rút lui; tiến hành công kích các điểm cao quan trọng ở ngoại vi, kết hợp đánh thọc sâu, chia cắt tiêu diệt quân địch, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang cách mạng hai nước phối hợp chặt chẽ, liên tục tiến công, truy kích địch.
Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 13-4 đến ngày 3-5-1953. Sau 3 tuần vận động tiến công, truy kích địch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 quân địch (bằng 1/5 tổng số quân địch ở Lào), đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội ở khu vực sông Nậm Hu và hàng trăm địch ở mặt trận Đường 7 - Xiêng Khoảng; giải phóng 5 vị trí và bức rút 25 vị trí khác; giải phóng khoảng 40.000km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Luông Pha-băng và Phong-xa-lì.
Đại tá Vông-xây In-thạ-khăm - Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam khẳng định: Chiến dịch Thượng Lào 1953 không chỉ là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc về tổ chức lực lượng và nghệ thuật tác chiến chiến dịch của QĐND Việt Nam mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, góp phần tạo tiền đề quan trọng giúp lực lượng vũ trang cách mạng Lào ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc. Từ đây, Quân đội Pathét Lào có hậu phương lớn để đứng chân, xây dựng và phát triển lực lượng, có điều kiện phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả hơn với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, góp phần củng cố và phát triển liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương.
Chiến thắng Thượng Lào 1953 mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch. Kết quả Chiến dịch Thượng Lào 1953 để lại nhiều kinh nghiệm quý về xác định hướng tiến công chiến lược, về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là vận động truy kích địch rút chạy, kinh nghiệm phối hợp giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào trong điều kiện QĐND Việt Nam tác chiến trên đất bạn, chiến trường xa hậu phương, công tác bảo đảm hậu cần tiếp tế khó khăn, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau,... Những bài học, kinh nghiệm quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị vận dụng trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Bài và ảnh: Hồ Thanh Hương