Ngày 14-8-1964, đoàn chúng tôi gồm 160 anh em, hầu hết là sĩ quan cấp úy, tạm biệt Sư đoàn 338 ở Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa, hành quân vào Nam chiến đấu. Về tuổi đời, chừng một phần ba từ 20-25, non hai phần ba từ 26-35; chỉ vài anh trên bốn chục tuổi. Đoàn trưởng là Đại úy Diệm. Trước khi lên đường, tôi được đề bạt Trung úy, nhưng cũng chỉ được thông báo của Chỉ huy đoàn, không được phát quân hàm.
Từ Thọ Xuân, Thanh Hóa, đoàn xe của Tổng cục Hậu cần đưa chúng tôi vào Vinh. Từ Vinh trở vào, chúng tôi hành quân bộ theo đường 15 qua Hà Tĩnh, Quảng Bình; còn từ Vĩnh Linh trở vào hành quân theo đường giây giao liên Đông Trường Sơn của Đoàn 559. Thời gian này, Đoàn 559 đã “lật cánh” sang tổ chức tuyến vận tải và giao liên hành quân trên đất bạn Lào - Tây Trường Sơn. Nhưng ở Đông Trường Sơn, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 vẫn tổ chức tuyến giao liên trên cơ sở đường dây Thống Nhất của Trung ương. Trong khi tuyến Tây Trường Sơn, ta đã tổ chức vận tải ô tô ở một số chặng, thì tuyến Đông Trường Sơn, tuyến giao liên vẫn chỉ là những lối mòn nhỏ nhoi, luồn lách giữa đại ngàn; khi vượt qua đỉnh núi cao ngất, vách đá cheo leo, khi luồn qua suối sâu, khe cạn…
Dẫu đã rèn luyện dầm mưa dãi nắng, mang vác nặng đường xa; dẫu đã được quán triệt, thấm nhuần hành quân vượt Trường Sơn vào Nam là vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng đúng là “Trăm nghe không bằng một thấy”. Có là người trong cuộc mới thấy hết những thách đố giữ giằn, thử thách cực kỳ khốc liệt của những ngày vượt Trường Sơn ra mặt trận. Hành quân qua tuyến giao liên vô cùng cheo leo, hiểm trở, dài ngày, mà trên vai mỗi người là ba lô nặng 32 cân, lại còn thêm vũ khí bất ly thân là một khẩu AK và một súng ngắn. Một vài ngày đầu, mọi chuyện còn ổn, nhưng càng đi, hai chân mỗi ngày một nặng như đeo chì; còn ba lô thì càng ngày càng giống khối đá đè nặng trên lưng. Những khi vượt dốc Ba thang, Bốn thang… thì “khối đá” ấy như muốn kéo giật người xuống!
Từ các trạm: Làng Riêu, làng Rao, làng Ho ở tây nam Quảng Bình, Vĩnh Linh, theo những lối mòn quanh thung núi, bờ khe, chúng tôi vượt đỉnh 1001 nơi có động Hàm Nghi ghi dấu một thời vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế lên Trường Sơn phát Chiếu Cần vương chống Pháp. Sau khi vượt thượng nguồn sông Bến Hải, chúng tôi băng qua đường số 9 rồi vào Pai Lin, Tà Riệp miền tây Thừa Thiên…
Đã hơn 5 năm kể từ ngày Thượng tá Võ Bẩm nhận chỉ thị của Bác Hồ và Tổng Quân ủy tổ chức Đoàn công tác quân sự đặc biệt mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn (sau gọi là Đoàn 559) biết bao cán bộ, chiến sĩ ta đã bí mật từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào công tác, chiến đấu ở miền Nam. Tuy vậy, trên tuyến giao liên Đông Trường Sơn, lúc này nguyên tắc “đi không dấu, nấu không khói, nói không thành tiếng” ở buổi “khai sơn phá thạch” con đường để bảo đảm bí mật vẫn được chúng tôi tuân thủ. Ở những điểm vượt trọng yếu như đường số 9, sau khi đoàn chúng tôi băng qua, thì lập tức giao liên xóa ngay dấu vết.
Nỗi cơ cực, nhọc nhằn hành hạ anh em chúng tôi suốt cuộc hành quân này là đói - đói kinh khủng, dai dẳng, quay quắt. Cũng vì đói mà sinh ốm đau, rồi bị sốt rét quật ngã. Sức trai mang vác nặng, leo núi mà mỗi ngày mỗi người chỉ được chưa đầy hai gạt bơ sữa bò gạo. Cứ hai hoặc ba ngày nấu một lần tại trạm giao liên, nắm thành nắm bằng quả cam, mỗi ngày mỗi anh được hai nắm như vậy. Để có sức mà đi, dọc đường chúng tôi tranh thủ vặt rau rừng lót dạ; vớ được rau tàu bay, môn thục… (những thứ rau rừng đã được hướng dẫn nhận mặt trước khi vào Nam) là cố gắng nhét cho chặt bao tử. Gặp được nương sắn, rẫy ngô của bà con người Thượng, cũng dằn lòng “xin trộm” mấy củ, vài bắp. Thực lòng, nếu không có mấy củ sắn, bắp ngô thêm dặm ấy thì lấy sức đâu mà đi!
Lạ nước lạ cái, đói khát, lại bị đủ thứ côn trùng độc hại tấn công, nên chỉ dính vài cơn sốt ác tính, có anh em đã gục ngã. Mặc dù ý chí, quyết tâm có thừa, nhưng đầu không bảo được chân, có anh em buộc phải nằm lại trạm giao liên. Đau đớn hơn là chúng tôi phải chứng kiến sốt rét ác tính đã cướp mất Tải - một đồng đội người Thái Bình trên đường hành quân.
Hôm cả đoàn vào đến một vùng rừng tây nam Quảng Ngãi, chúng tôi bắn được một con trâu rừng. Để dành gạo, Đoàn trưởng quyết định cho anh em ăn toàn thịt trâu hai ngày. Bốn bữa thịt trâu rừng hơn cả thuốc tăng lực, giúp cho đôi chân chúng tôi cứng cáp hơn. Còn da trâu được làm sạch, luộc lên, mang theo làm thực phẩm dự phòng. Nghĩ đến những mảnh da trâu khi đó, tôi chợt liên tưởng đến cảnh Hồng quân Trung Quốc trong cuộc “Vạn lý trường chinh” thời kỳ kháng chiến trước đây, khi cùng cảnh đã phải dùng đến áo da, dày da, làm sạch, hầm thành cháo để ăn lấy sức mà hành quân…
Thêm một cung chặng giao liên, sức lực chúng tôi vơi đi cùng bòng gạo trên lưng, có khi gần như cạn kiệt. Hành quân sang tháng thứ hai, một số anh trong độ tuổi 20-25 đã gục ngã, phải nằm lại trạm giao liên. Đến tháng thứ ba, thì một số anh trên tuổi 40 cũng không thể đi tiếp. Đa phần số còn lại đi được vào Nam Bộ chủ yếu từ 30 đến 40 tuổi. Thế mới biết, tuổi trẻ nhiệt huyết có thừa, nhưng rèn luyện chưa đến độ hay gánh nặng tuổi tác cũng làm cho con người ta khó trụ được trước thách đố nghiệt ngã của cuộc hành quân đường dài vượt Trường Sơn.
Tháng thứ ba - thứ tư, chúng tôi hành quân từ Mã Đà vào Chiến khu Dương Minh Châu (miền Đông Nam Bộ). Ở chặng này, có lúc tôi dự cảm mình cũng bị quật ngã vì đói. Sau một ngày hành quân, khi giao liên thông báo còn vài cây số nữa mới tới trạm, là lúc tôi thấy đói vàng mắt. Vẫn bước đi, nhưng trước mặt chỉ thấy hoa cà hoa cải, có khi như thấy cả đàn đom đóm bay giữa trời chiều. Rất may là nghe lời anh Diệm dặn trước khi hành quân, tôi đã chuẩn bị và để dành được một lọ đường nhỏ, chừng vài lạng. Những lúc đói quá, tôi lấy đầu đũa, có khi dùng luôn ngón tay chọc vào lọ đường cho dính mấy hạt để mút, lấy sức mà đi tiếp. Cảm giác hạt đường khi đó, có thể gấp nhiều lần lát sâm - củ sâm Ngọc Linh, sâm Cao Ly bây giờ người ta vẫn dùng để bồi dưỡng, níu kéo cha già, mẹ héo khi lâm chung…
Phải mất tới gần 5 tháng hành quân ròng rã, chúng tôi mới vào tới Cơ quan Quân sự Miền ở căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) - giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Xuất phát từ Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa, cả đoàn gồm 160 anh em, vào tới Nam Bộ chỉ còn trên dưới 100. Một số phải nằm lại trạm giao liên; và đau lòng hơn là có anh em đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn Trường Sơn. Ngày có mặt ở trạm giao liên gần Cơ quan Quân sự Miền, anh nào anh nấy tóc tai, râu ria chẳng khác gì thổ phỉ. Nhưng bù lại là niềm vui không giấu được trong từng ánh mắt, những vòng tay ôm của đồng chí, đồng đội.
Sau ngót 60 năm kể từ ngày hành quân vượt Trường Sơn và Nam, tôi cho thể hiện những bước chân ngày ấy của mình trên bản đồ để lưu giữ kỷ niệm sâu sắc của “Đời chiến sĩ”.
Đại tướng Phạm Văn Trà kể - Duy Tường ghi