Cô giáo Làng Hữu Nghị hướng dẫn các em tô màu trong tiết học “Nhận biết màu sắc”.

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng sẽ có riêng cho mình những khoảnh khắc khó quên của cuộc đời. Đối với tôi cũng vậy, nhớ lại ngày đầu tiên đến với Làng Hữu Nghị Việt Nam, hình ảnh các em nhỏ ùa ra chào đón tôi; có em không nói được thì ra ký hiệu chào tôi; có em thì ôm lấy tôi; em thì dắt tay tôi như đã thân quen từ lâu rồi.

Nhìn các em rất hồn nhiên ngây thơ, quấn quýt, trò chuyện... có em còn ngắt bông hoa dại bên hàng rào để tặng tôi. Thấy bạn tặng hoa cho cô giáo, các bạn khác cũng chạy đi hái hoa dại đem đến tặng tôi. Hành động dễ thương đó làm tôi cảm động, đây thật sự là kỷ niệm khó quên đối với tôi.

Vâng.

Tôi đã chọn ở lại nơi đây để được đem hết những gì mình đã học được ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội  giúp cho những em nhỏ bị thiệt thòi này.

Thời gian trôi đi nhanh quá. Thấm thoắt đã 15 năm kể từ khi tôi vào Làng làm việc. Tôi đã dạy rất nhiều lớp học ở Làng Hữu Nghị Việt Nam. Nhưng đặc biệt nhất trong tôi là lớp kỹ năng 1, thuộc Trung tâm Giáo dục dạy nghề, nằm bình lặng trong căn phòng nhỏ trên tầng hai, phía cuối hành lang.  

Lớp của tôi là 1 trong 10 lớp học có số lượng học sinh bị ảnh hưởng do chất độc da cam nặng nhất Trung tâm. Bình thường đối với một lớp nặng như vậy thì chỉ từ 3 đến 4 em, nhưng lớp của tôi tới 8 em. Tám em là tám hoàn cảnh, tám nỗi đau da cam! Là tám thân phận hết sức đáng thương…  

Không chỉ học văn hóa, các em lớp kỹ năng 1 còn được học những kỹ năng cần thiết để tự chăm sóc bản thân.

Và mỗi em là một câu chuyện, một mảnh đời khác nhau. Có em mắc hội chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý, động kinh, như các em Linh, Vi, Hải, Đức, Dương. Trong giờ học, các em luôn la hét, đi lại tự do. Thấy có người lạ đến gần là em lại khóc hét lên như ai vừa cầm roi vụt vào cơ thể vậy. Em thì khuyết tật vận động, chậm phát triển trí não, có em thì bị khiếm khuyết về thị giác…

Lớp của tôi thương lắm!

Em Vũ Thị Ngọc, quê ở Nghệ An, có bố là CCB bị chất độc da cam. Ngọc là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Năm nay Ngọc đã 22 tuổi nhưng nhận thức vẫn không hơn gì một đứa trẻ lên ba, khuôn mặt em ngờ nghệch, mắt em bị kém mỗi khi viết bài em lại phải cúi sát mặt xuống vở. Hay em Nguyễn Thị Phương Lan quê ở Tuyên Quang cũng vậy, nhìn thân hình em nhỏ bé, gầy yếu. Hỏi, tôi mới biết gia đình em rất khó khăn; ông, bà của em đều bị chất độc da cam. Bố Lan cũng  chậm phát triển trí não - bà nội Lan chia sẻ.

Mỗi khi thời tiết thay đổi là Lan lại bị lên cơn động kinh co giật. Nhiều lần em đang ngồi học lại lên cơn động kinh  bất ngờ, ngã lăn ra lớp. Đầu em đập lia lịa xuống sàn nhà. Những lúc nhìn thấy em như thế lòng tôi xót xa, nước mắt cứ trào ra...

Lớp của tôi không chỉ riêng Lan, mà em Vi, em Đức cũng thường xuyên lên cơn động kinh như thế. Biết được tình hình của lớp, tôi đã mua hai chiếc gối để trên lớp, phòng khi các em lên cơn là đưa đến gối đầu cho các em không bị đập xuống nền gạch.

Bố tôi cũng là một thương binh, khi ông tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ, bố bị trọng thương - một viên đạn của địch bắn vào đầu. Viên đạn không thể gắp ra được. Gắp viên đạn là đồng nghĩa với bố tôi mất trí nhớ. Mỗi khi trái gió trở trời, nhìn thấy bố đau mà lòng tôi thương lắm, nhưng không biết phải làm sao để giúp bố. Chỉ bằng cách tôi đã cố gắng học thật tốt để thi vào Trường Sư phạm đúng với nghề giáo của mẹ tôi và cũng là tâm nguyện trước lúc bố qua đời.

Đến khi tôi lấy chồng, bố chồng tôi cũng là một CCB mang trong mình chất độc hóa học. Em gái của chồng tôi ngay từ khi sinh ra cũng bị di chứng chất độc da cam di truyền từ bố. Nhìn em nằm trên giường không thể đi được; cũng không nói được. Em không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, mà lòng tôi xót xa. Bố mẹ, cùng gia đình tôi đã chăm sóc cho em, đến năm em 16 tuổi thì qua đời!

Có phải vì có chung hoàn cảnh mà tôi luôn dành tình yêu thương để san sẻ bớt những khó về vật chất, vượt lên những nỗi đau tinh thần luôn thường trực trong  mắt của những học trò lớp tôi, mà tôi luôn không ngừng trăn trở về cách dạy để tìm ra phương pháp phù hợp nhất đối với từng em.

Nhớ ngày đầu em Nguyễn Bá Dương đến Làng, hầu hết các kỹ năng tự phục vụ bản thân của em đều không có. Em không có khái niệm ngồi yên một chỗ do em bị hội chứng tăng động giảm tập trung. Thời gian đầu, để hạn chế hành vi của em là rất khó. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng cũng tìm ra phương pháp phù hợp cho em. Biết được tính em rất thích cảm giác liên quan đến những vật có cảm giác. Tôi đã dùng phương pháp cho em ngồi nặn bột để hạn chế hành vi chạy nhảy, tự đánh vào đầu và la hét tự do của em.

Đây là phương pháp tôi đã học được của một chuyên gia người Đức - cô Ing-rich…. Sau một thời gian dài áp dụng, hành vi của em đã được hạn chế. Bước tiếp theo là tôi hướng em vào hoạt động học kỹ năng tự phục vụ. Chỉ riêng học đánh răng, cũng mất tới 6 tháng em mới làm được…

Dù là những tiến bộ rất nhỏ, nhưng với tôi cũng là một phần thưởng mà tôi trao cho tôi - nó trở thành động lực để tôi cố gắng từng ngày.

Lớp học của tôi ơi! Các em ơi! Có thể thiếu thốn về vật chất, khiếm khuyết về hình thể, nhưng lúc nào các em cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các bác, các cô, các chú và các “mẹ” - họ đều là đồng đội của người thân các em trong ngôi Làng Hữu Nghị Việt Nam chan chứa tình yêu thương này.

Phạm Thị Phương Thảo