Lạc quan về tình hình kinh tế-xã hội
Ngay ở những phiên đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cũng như cử tri cả nước bày tỏ sự phấn khởi trước báo cáo của Chính phủ về bức tranh kinh tế-xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 với nhiều điểm sáng và những con số ấn tượng, như GDP tăng 6,81%, có 12/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, quý I-2018, GDP tiếp tục duy trì mức cao nhất trong 10 năm qua, đạt 7,38%, Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo được cải thiện mạnh mẽ. Bên cạnh đó, công cuộc phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho người dân.
Về một vấn đề “nóng” trong thời gian qua đó là việc xử lý bất cập ở những dự án BOT giao thông, trong phiên họp ngày 6-6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã báo cáo giải trình trước Quốc hội; đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Các cấp, các ngành sẽ phải công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Thông qua nhiều luật quan trọng
Một trong những nội dung luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp lần này đó chính là Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật An ninh mạng với đa số phiếu tán thành.
Luật Quốc phòng (sửa đổi) với 7 chương và 40 điều đã bao trùm đầy đủ các quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng. Việc kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội sẽ tạo ra sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội.
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là một trong những luật rất được chờ đợi và kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ quản lý một cách hữu hiệu các hoạt động phức tạp của mạng xã hội đồng thời chống lại luận điểm xuyên tạc của các đối tượng phản động trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bóp méo thông tin nhằm kích động người dân, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Dự thảo Luật quy định lực lượng này chỉ thẩm định, đánh giá đủ điều kiện và kiểm tra đột xuất khi có sự cố, vi phạm tại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia chứ không phải đối với tất cả các hệ thống thông tin là phù hợp với khả năng của lực lượng này. Hoạt động kiểm tra an ninh mạng định kỳ và giám sát an ninh mạng sẽ do Chủ quản hệ thống thông tin chủ động thực hiện.
Chưa thông qua Dự án Luật Đặc khu
Một điểm “nóng” tại Kỳ họp lần này là việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Dự thảo Luật Đặc khu được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sau đó đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại Kỳ họp này. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã biểu quyết Nghị quyết điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đặc khu tại Kỳ họp thứ 5 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện cũng như lấy ý kiến đánh giá của cử tri và nhân dân cả nước. Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các dự án luật Quốc hội đang thảo luận và luôn lắng nghe ý kiến của người dân.
Cử tri và đại biểu hài lòng với phần trả lời của các Bộ trưởng
Đánh giá về chất lượng các phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng như cử tri cả nước cho rằng ấn tượng nhất của Kỳ họp lần này là “hỏi nhanh, đáp gọn” và tranh luận sôi nổi, vừa mang tính khoa học, vừa thể hiện sự quan tâm, chuẩn bị kỹ càng của các đại biểu về vấn đề được dư luận quan tâm. Có thể trả lời nhanh được những câu hỏi cũng cho thấy năng lực, bản lĩnh của các Bộ trưởng về lĩnh vực mà mình đang quản lý.
Phương thức trả lời của các Bộ trưởng tại kỳ họp lần này cũng có nhiều đổi mới trả lời trực tiếp vào nội dung câu hỏi mà đại biểu nêu, đáp ứng những thắc mắc mà người dân cả nước đang quan tâm. Qua phần trả lời cho thấy các Bộ trưởng nắm rõ, chắc và có kinh nghiệm thực tiễn và có những thông số thực tiễn với vấn đề mà cử tri đưa ra.
Tuy nhiên cũng còn nhiều ý kiến cho rằng do thời gian ngắn, câu trả lời có lúc chưa đề giải pháp thật cụ thể mà thường chỉ bao quát ở tầm vĩ mô. Những vấn đề cụ thể liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân cũng như trách nhiệm của các cấp ngành khác nhau, đặc biệt là chính quyền địa phương, chưa thể hiện được rõ. Cử tri và đại biểu mong rằng bằng việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, các Bộ trưởng sẽ thực hiện cam kết của mình với đại biểu và Quốc hội bằng những giải pháp cụ thể; từ đó, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mà mình quản lý.
Hoàng Linh