Ngày 26-10, Quốc hội công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng TTCP với số phiếu tín nhiệm cao. Theo đó, có 461 phiếu đồng ý (93,98%) bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể vào chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT và có 464 phiếu đồng ý (94,5%) bổ nhiệm ông Lê Minh Khái vào chức vụ Tổng TTCP. Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, ông Lê Minh Khái, tân Tổng TTCP đã có những phát biểu gây được sự chú ý của dư luận và cử tri trong cả nước khi khẳng định TTCP sẽ làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm. TTCP sẽ tiếp tục thanh tra các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực theo Nghị quyết 63/2013/QH14 của Quốc hội.
Kỳ họp được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm
Tại Phiên khai mạc, trong Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 935 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.385 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. Điều đó cho thấy cử tri và nhân dân cả nước thực sự rất quan tâm tới kỳ họp Quốc hội lần này.
Ý kiến của các cử tri gửi về cũng đề nghị Quốc hội làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép; công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và nhân dân. Các ý kiến gửi về cũng khẳng định cử tri, nhân dân cả nước luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu và công khai kết quả xử lý cho MTTQ Việt Nam và nhân dân biết để giám sát.
Giảm tải biên chế Nhà nước
Bàn về nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy tình trạng biên chế trong bộ máy hành chính của nhà nước đang trong tình trạng quá tải. Tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều đầu mối, tính đến cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự được như mong muốn. Từ năm 2014-2016, mỗi năm bình quân giảm 4.000 biên chế công chức, nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học; thẩm quyền quản lý biên chế chưa thống nhất, thiếu tập trung. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Để xảy ra những bất cập, hạn chế trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; trong xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện; trong giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng bộ, hiệu quả, thực hiện quyết liệt các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Bảo vệ bí mật Nhà nước
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cho rằng cần thiết phải quy định về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, thông tin cá nhân trên không gian mạng. Người nào sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật quân sự sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc quy định pháp luật khác có liên quan. Đồng thời cũng cần phải quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc bảo vệ bí mật nhà nước để có căn cứ thực hiện.
Hoàng Linh