Thành lập đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm về ATTP
Hiện nay, quản lý nhà nước về ATTP gồm ba cơ quan là: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT. Chính vì có nhiều cơ quan cùng quản lý về ATTP nên đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP hiện nay. Thực trạng về quản lý ATTP hiện nay có trách nhiệm của cả ba bộ, nhưng mỗi sự việc xảy ra, để xác định rõ trách nhiệm thuộc bộ nào thường rất khó khăn.
Nên thành lập đơn vị thuộc Chính phủ chuyên trách quản lý về ATTP hay giữ nguyên mô hình 3 Bộ: Y tế, NNPTNT, Công Thương cùng quản lý; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong sản xuất kinh doanh thực phẩm... là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016."
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra việc thực hiện quản lý nhà nước còn có quá nhiều đơn vị cùng tham gia nên xảy ra hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi cung ứng từ trang trại đến người dân, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, việc ngăn ngừa thực phẩm không an toàn, thiếu một cơ quan giữ vai trò chính.
Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) phân tích một số quy định về phân công trách nhiệm còn chồng chéo và nhiều bất cập. Việc quản lý một số mặt hàng, sản phẩm còn sự giao thoa giữa các bộ, chưa phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chủ trì, nên dẫn đến buông lỏng quản lý hoặc không phân định rõ trách nhiệm chính thuộc bộ nào...
Kiến nghị thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 8-6, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận về các nội dung liên quan đến việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, trong khi chờ đợi xây dựng sân bay Long Thành nên thu hồi sân golf ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để có thêm quỹ đất nhằm tăng công suất, giảm tình trạng ngập úng, kẹt cứng tại sân bay Tân Sơn Nhất vì theo báo cáo của Bộ GTVT thì hiện sân bay này đang trong tình trạng luôn hoạt động quá công suất thiết kế.
Theo phân tích của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (T.P Hồ Chí Minh) thì lộ trình xây dựng sân bay Long Thành còn dài, chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều mà nhu cầu đi lại, giao thương của người dân lại ngày càng tăng nhanh trong khi sân bay Tân Sơn Nhất luôn hoạt động trong tình trạng quá tải. Do đó nếu thu hồi diện tích sân golf để giao cho sân bay Tân Sơn Nhất với đề án sử dụng cụ thể, việc đầu tư của ngành Hàng không sẽ đem lại thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.
Đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngay trước phiên thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã có báo cáo khẳng định việc xây dựng Luật Thủy sản nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về thủy sản; phù hợp với chiến lược phát triển ngành Thủy sản, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, tái cơ cấu ngành Thủy sản, thúc đẩy phát triển ngành Thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.
Thảo luận về vấn đề này nhiều ý kiến nhấn mạnh nguồn lợi thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững, nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng, nhất là ở một số vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, vì vậy việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là rất cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn trong tuần này
Theo chương trình, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội diễn ra từ ngày 13 đến 15-6. Đây là hoạt động đặc biệt quan trọng của Quốc hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Thông lệ tại các kỳ họp giữa năm của Quốc hội, tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ ủy quyền cho một Phó thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên tại Kỳ họp thứ 3, từ 16 giờ đến 16 giờ 45 phút ngày 15-6, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Hoàng Linh