Cán bộ Ban Tổ chức - Chính sách, Hội CCB Việt Nam cùng Tổ công tác của Bộ Quốc phòng khảo sát địa hình.
Tôi tham gia Tổ công tác của Bộ Quốc phòng đi Quảng Trị với nhiệm vụ rất cụ thể: “Kiểm chứng kết quả tìm mộ liệt sĩ theo phương pháp của Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 1 - một sáng kiến chưa được công nhận”.
CCB Hồ Đại Đồng năm nay đã 73 tuổi là “nhân vật số 1” của Tổ công tác. Hỏi lý do CCB đi tìm mộ liệt sĩ, ông chậm rãi kể: “Nợ phải trả, nghĩa phải làm. Từ tháng 3-2009 đến nay, chúng tôi đã tổ chức 36 chuyến đi, tìm được hài cốt 227 liệt sĩ Sư đoàn 1 hy sinh năm 1968 ở Kon Tum”.
Giải thích lý do có cuộc kiểm chứng này, ông Đồng kể tiếp: “Tổ chúng tôi 12 người, có 8 CCB Trung đoàn 209 “Trung đoàn Mũ Sắt” và 4 tình nguyện viên. Lâm Hồng Tiên là một trong số tình nguyện viên giúp chúng tôi cài đặt, hoàn thiện bản đồ điện tử, sử dụng tính năng chỉ đường trong ứng dụng Google Maps vào tìm mộ liệt sĩ (tạm gọi là ứng dụng công nghệ thông tin để tìm mộ). Việc ứng dụng bắt đầu từ năm 2019 và rất hiệu quả, giúp tìm được 43 liệt sĩ năm 2019, tìm được 12 liệt sĩ năm 2020 tại Chư Tan Kra, tỉnh Kon Tum. Tuy vậy, sáng kiến này chưa được công nhận”. Qua câu chuyện của ông Đồng, tôi biết rõ hơn lý do có cuộc kiểm chứng tại thực địa.
Địa danh kiểm chứng xác định vị trí có mộ liệt sĩ tại thực địa theo phương pháp của CCB Sư đoàn 1 tại Khe Van, thôn Khe Hạ, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Địa bàn này không phải chiến trường của CCB Sư đoàn 1. Đề bài của Tổ công tác là, từ thông tin do CCB Mỹ tham chiến tại Việt Nam cung cấp năm 1996; tại tọa độ 981545 và 979544 (Cam Lộ) có 2 điểm mộ tập thể, chôn 600 liệt sĩ của Sư đoàn 320, hy sinh ngày 21-1-1968. Nhiệm vụ của CCB Sư đoàn 1 là ứng dụng công nghệ thông tin để xác định vị trí chôn cất liệt sĩ tại thực địa, bàn giao điểm nghi vấn có mộ tập thể cho Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị.
Câu chuyện hấp dẫn, vì Đại tá Phạm Văn Thìn - cán bộ Cục Chính sách cho biết: Tại địa bàn Cam Lộ, căn cứ thông tin có tọa độ do CCB Mỹ cung cấp. Từ năm 1997-1998, Sư đoàn 968 tổ chức 3 đợt tìm kiếm, mỗi đợt khoảng 20 ngày với 150 người tham gia. Các điểm nghi vấn đã được “đào, bới, xới tung” hết mà không tìm thấy liệt sĩ.
Có hai ý kiến trái ngược nhau, gây sự chú ý đối với chúng tôi. Một là, Đội trưởng Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tên Tuấn báo cáo: “Từ năm 1994 đến nay, VVA cung cấp cho Đội quy tập 20 thông tin, có đủ tọa độ. Nhưng tìm không ra liệt sĩ. Nhưng người dân đi làm nương phát hiện được hài cốt cách đó hàng ki-lô-mét”. Hai là, CCB Hồ Đại Đồng trao đổi: “Tọa độ có liệt sĩ do quân đội Mỹ ghi chỉ có 6 số, khi chuyển đổi đúng sang tọa độ GPS 10 số vẫn có sai số từ 0 đến 100m, vì vậy tùy thông tin và địa hình cần có cách tìm khác nhau”. Ông tóm tắt phương pháp của CCB Sư đoàn 1 tại thực địa như sau: “Từ thông tin có mộ tập thể, có tọa độ do CCB Mỹ cung cấp 600 liệt sĩ hy sinh ngày 21-1-1968; kết hợp lịch sử quy tập tại Khe Van; phân tích ảnh vệ tinh trước và sau khi chôn (quân đội Mỹ đã giải mật trên Google); dùng điện thoại thông minh, sử dụng tính năng chỉ đường, đã chuyển đổi từ tọa độ 6 số sang tọa độ GPS hệ UTM 10 số để xác định vị trí chôn cất liệt sĩ tại thực địa. Nếu có thêm trích lục hồ sơ điện tử từ Cục Chính sách, cung cấp danh sách liệt sĩ hy sinh ngày 21-1-1968. Chúng tôi tin tưởng hơn sẽ tìm được vị trí 600 liệt sĩ”.
Câu hỏi đặt ra là, phải chăng tọa độ do CCB Mỹ cung cấp không chính xác (ý kiến 1). Hoặc phương pháp quy đổi tọa độ của ta có vấn đề (ý kiến 2). Tôi biết khá rõ về VVA. Đây là tên viết tắt của Tổ chức CCB ở Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Họ đã có trên 20 năm thực hiện “Sáng kiến CCB”, còn gọi là “Chương trình CCB ra tay”. Họ vận động CCB Mỹ cung cấp thông tin về bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Mẫu “Phiếu cung cấp thông tin” của CCB Mỹ khá ấn tượng. Cách thể hiện là các câu hỏi - đáp. Nội dung ngắn, gọn, đủ thông tin cần thiết cho tìm mộ liệt sĩ, gồm: ngày xảy ra sự việc; địa điểm chôn cất ở đâu; tọa độ chôn cất; số xác chết (liệt sĩ); bộ đội Bắc Việt thuộc đơn vị nào; toán lính Mỹ nào cung cấp. Cuộc hội thảo lần này rất thú vị, nó càng hấp dẫn hơn, nếu tại Khe Van, “xác định vị trí có mộ liệt sĩ tại thực địa theo phương pháp của CCB Sư đoàn 1” lần này tìm được liệt sĩ tại các hố chôn tập thể.
Sau 2 ngày khảo sát, tại khu vực Khe Van, CCB Hồ Đại Đồng và Nguyễn Văn Vĩnh xác định được 3 vị trí nghi vấn có hài cốt liệt sĩ. Tổ công tác đã ký biên bản chứng kiến việc CCB Sư đoàn 1 bàn giao điểm quy tập cho Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị. Thượng tá Trương Khắc Duẩn - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị phát biểu kết luận: Quảng Trị còn trên 33.000 liệt sĩ phải tìm kiếm. Bước 1, kiểm chứng tại thực địa đã xong. Bước 2, là nhiệm vụ của Đội quy tập. Phương pháp của CCB Sư đoàn 1 có căn cứ để chúng ta tin tưởng. Nếu lần này tìm được mộ tập thể 600 liệt sĩ. Phương pháp này được công nhận, được áp dụng phạm vi toàn quốc là rất hay.
Công văn của Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 1 gửi các cơ quan chức năng ngày 10-4-2022 viết: “Ứng dụng công nghệ tin học trong tìm mộ liệt sĩ là việc lớn, hệ trọng. Chúng tôi mong Cục Chính sách sẽ chủ trì đề tài, chúng tôi xin phối hợp tích cực tại thực địa, theo khả năng để góp phần đưa được nhiều nhất liệt sĩ trở về”.
Vâng, chúng ta hãy cùng chờ đợi kết quả bước 2 từ Quảng Trị. Riêng tôi, tôi rất trân trọng các CCB Sư đoàn 1 và các công tác viên của họ.
Ngô Đoàn