Câu chuyện tôi được chứng kiến ở chính quê tôi thời đất nước còn giặc giã: Đôi trai gái yêu nhau. Anh con trai lên đường nhập ngũ vào Nam đánh giặc. Ngày bạn trai làng tòng quân, cô gái chia tay lưu luyến trong lệ! Vui ngày hội lên đường! Nhưng chiến tranh thì không nói trước được điều gì... Người ở lại ngóng tin chiến trường… Ngày nhận tin cô không giấu nổi nỗi buồn trong nước mắt: Bạn trai hy sinh! Ngôi sao đậu trên mũ ngày nhập ngũ ngã xuống …

Một câu chuyện tình đẹp của thế kỷ XX. Trên dải đất hình chữ S đất nước ta dường như ở đâu cũng có thể nghe thấy câu chuyện, như chuyện quê tôi vậy. Chuyện tình thời hiện đại pha màu cổ tích, vừa thực vừa hư. Tôi ủ kín trong tim mình bao năm… Đẹp nhưng có lẽ văn xuôi không thể diễn tả hết được như mình muốn? Giữ mãi trong lòng, tôi cứ nhủ mình phải viết một bài thơ, hay một truyện thơ... Thai nghén. Thai nghén. Một hôm vào tháng 7 thiêng liêng năm đó. Một tứ thơ bỗng vụt sáng trong đầu: “Ngôi Sao ngã xuỗng năm xưa… trở về. Và tôi viết rất nhanh bài thơ ngay tại con ngõ “quê hương 5 tấn” đầy tự hào: Hôm nay Sao trở về/ Nơi mình đã ra đi/ Lên đường nhập ngũ/ Quê hương mộc mạc/ Bạt ngàn tre xanh…/ Ngước lên trời trời muôn năm vẫn thế/ Đất dưới chân nửa thế kỷ nghèo đói vẫn trùm lên?…/ Không ai trả lời câu hỏi từ ruột đất vọng lên/ Ngôi Sao rẽ vào ngõ nhà mình/ Tất cả tự nhiên hồi sinh - Tất cả/ Cây mít, cây xoan, vườn rau, ao cá…/ Gió chạy về reo ngàn lá xanh dâng! Hiện lên đôi mắt đen/ Tóc đuôi gà bay trước gió/ Chạy theo xe ngày Ngôi Sao lên đường nhập ngũ/ Thét gọi: “Anh ơi!”, mắt nhòa lệ đầu thôn! Giờ em ở đâu em có biết không/ Ngôi sao của em/ Đang đứng như trời trồng trước nhà em đó…/ Dưới hoàng hôn tím đỏ/ Khung trời chiều đính lấp lánh sao Hôm!

Với đề tài viết về những người lính hy sinh trong chiến tranh vệ quốc. Cái mới luôn là điều công chúng đòi hỏi. Vậy nên, tôi muốn tìm một hình thức biểu hiện khác đi. Tôi tìm tòi, trăn trở cái mới, mà bài thơ “Ngôi sao ngã xuống năm xưa… trở về” (NXB Hội Nhà văn, 2020) là một thể nghiệm: Trong mất mát có cái  đền đáp, đắp bù, trong đau thưong có cái khiến ngẩng cao đầu, tự hào, kiêu hãnh. Không dễ để đạt được trạng thái tinh thần đó. Nhưng không gì là không thể, tôi nhận ra hệ quả nghệ nghệ thuật từ bài thơ “Ngôi sao ngã xuống năm xưa… trở về”.

Tác phẩm nghệ thuật, trong đó có thơ, cấp cho ta một thực tế: “Nghệ thuật, và chỉ có nghệ thuật, mới đẩy lùi được cái chết, chiến thắng cái chết”, như  lời triết gia lỗi lạc F.Hegel (1770-18310) và đặc biệt phù hợp với tác phẩm nghệ thuật thể hiện đề tài viết về những người ngã xuống  trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Nguyễn Minh Nguyên