Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Những ngày tháng 7 thiêng liêng, tháng mà có nhiều sắc hoa, sắc hương nở rộ tươi thắm trong cái nắng chói chang mùa hè, trong lòng tôi chợt ngân lên một sắc hoa màu đỏ, đỏ như sắc màu cờ Tổ quốc; là “Màu hoa đỏ” trong bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu. Lời ca ấy thật bi tráng, thật thẳm sâu, thật liêng thiêng: “Có người lính/ Mùa thu đã ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính/ Mùa xuân đã ra đi từ đó không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây che/ Chiều biên cương trắng trời sương núi/ Mẹ già mỏi mắt nhìn theo”. Và giai điệu khúc ca ấy hùng hồn như một tráng ca bất tử khắc vào non song đất nước: “Việt Nam ơi! Việt Nam/ Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa/ Rực cháy lên màu hoa đỏ cuối hoàng hôn”.
Vầng hào quang sáng ấy chính là khúc tráng ca bất tử tháng 7 của những người lính đã ngã xuống vì đất nước thân yêu. Những người lính tuổi đời còn rất trẻ, trong ký ức của mình còn mang theo màu phượng vĩ đỏ hồng sân trường ngày tạm biệt thầy cô, bè bạn, lên đường nhập ngũ, còn mang theo màu hoa gạo đỏ ối tháng 3 ngày giáp hạt trên con đê làng uốn cong ôm trọn làng mạc thôn xóm, mang theo màu hoa hồng tượng trưng cho tình yêu nồng cháy đầu đời. Và trong những đêm chiến trận dưới những làn đạn rạch đỏ trời vẫn mơ về ngày chiến thắng đất nước hòa bình thống nhất trọn vẹn trong những màn pháo hoa lộng lẫy…
Chiến tranh đã đi qua, trên đất nước từ Nam chí Bắc đâu đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ. Mỗi nấm mồ các anh là những phím đàn trắng, là một cuộc đời, một tính cách…, nhưng có chung một dáng đứng xung phong, một tư thế khi ngã xuống vẫn trong tư thế tiến công tạc nên “Dáng đứng Việt Nam” bất tử để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (thơ Lê Anh Xuân). Có thể trong những phím đàn ngôi mộ ấy đã có tên hoặc chưa có tên nhưng các anh, chị không bao giờ vô danh. Tiếng chuông ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mang theo tiếng vọng của muôn trái tim kết nối giao thoa những âm vực tâm tình…. Tiếng chuông hay hồi âm của những linh hồn bất tử. Và từ tiếng chuông ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn lại ngân vọng bao tiếng chuông chùa. Có cả tiếng chuông chùa ngoài đảo Trường Sa. Có tiêng chuông chùa ở đất lúa Thái Bình nơi có bao nữ tu, nhà sư là những nữ TNXP từ chiến trường về xuống tóc: “Sao sư nữ không gõ mõ/ Lại vừa tụng kinh lại gõ đầu mình”(thơ Phạm Tiến Duật) khi mảnh đạn còn nằm nhức nhối trong đầu, ngày ấy mái tóc rụng dần theo những cơn rốt rét.
Khúc tráng ca tháng 7 là khúc tráng ca bất tử. Bất tử trong những chiến công, bất tử trong những địa danh lịch sử, bất tử cả trong ký ức của người thân. Chỉ một dải đất Bắc miền Trung mà có bao cái tên gọi lên ta đã hình dung những tháng ngày ác liệt. Đó là địa danh thung lũng Truông Bồn (Nghệ An) bất tử với sự hy sinh của hàng nghìn người lính, TNXP, mà tiêu biểu là “Tiểu đội thép”. Đó là Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) bất tử với sự hy sinh của 10 cô gái TNXP trong buổi chiều định mệnh. Quanh mộ các cô còn bất tử bạt ngàn màu hoa sim. Và “Hang Tám cô” trên đất lửa Quảng Bình, trên đường 20 Quyết Thắng, hy sinh trong hang đá như một hộp đàn vẫn âm vọng day dứt khôn nguôi, vẫn lưu lại những âm thanh cuối cùng của họ khát khao tình yêu cuộc sống khi bị đá tảng lấp xuống cửa hang. Có một mẹ Thứ ở Quảng Nam - biểu tượng vĩnh hằng của mẹ Việt Nam Anh hùng 9 lần nhận giấy báo tử của các con trai. Mẹ đã hóa thân bất tử thành tượng đài sừng sững được dựng lên ở núi Cấm (T.P Tam Kỳ - Quảng Nam), đây là tượng đài bà mẹ Việt Nam Anh hùng lớn nhất nước. Bây giờ thì mẹ đã về yên nghĩ với các anh nhưng tượng đài sống mãi với non sông đất nước, trường tồn bất tử với thời gian vĩnh hằng.
Trở lại Thành cổ Quảng Trị những ngày tháng 7 này, tôi bước nhẹ trên thảm cỏ xanh. Ôi, cỏ xanh non mát, cỏ xanh dịu êm, cỏ xanh bất tử và ngân vọng trong tôi bài hát “Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền làm thức dậy với bao cung bậc bồi hồi, trầm mặc: “Thắp một nén hương viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh/ Trên mảnh đất quê mình”. Vâng, đất nước quê hương không bao giờ vô tình trước sự hy sinh của các anh, các chị, không vô tình trước những người thương binh đã để lại một phần máu thịt gửi vào đất của Tổ quốc. Những ngôi Nhà tình nghĩa, những Trạm điều dưỡng thương binh như một mái ấm nghĩa tình. Và có biết CCB vẫn lặng lẽ đi tìm đồng đội để đưa các anh về nằm bên nhau. Nhà thơ quân đội Nguyễn Đức Mậu đã có hai câu thơ đọc lên làm ta thổn thức rưng rưng nước mắt trong “Trường ca sư đoàn”: “Nếu tất cả về đây đông đủ/ Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn”. Sự hy sinh quả thật lớn lao và sự tiếp nối truyền thống cũng rất đáng tự hào viết tiếp trang sử vàng: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).
Hà Tĩnh, tháng 7-2023
Nguyễn Ngọc Phú