Hiện rất nhiều nước trên thế giới không có đủ vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm cho người dân, trong khi đó có những nước phải ban hành các biện pháp khuyến khích để người dân đi tiêm phòng. Đó vẫn là chuyện xưa nay trên thế giới, tuỳ vào thực lực của nền kinh tế và chính sách quản lý xã hội. Nước Đức là một ví dụ, từ việc hỗ trợ tài chính cho những người không hoặc chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, Chính phủ nước này đã buộc phải mạnh tay hơn khi cắt khoản hỗ trợ này với chính sách: Không tiêm = không tiền hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng Y tế Đức - Jens Spahn: Từ tháng 11-2021, người lao động Đức không tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ không còn được nhận các khoản trợ cấp vì mất thu nhập trong thời gian phải thực hiện cách ly. Nói đây là quyết định mạnh tay bởi theo quy định hiện hành, Đức hỗ trợ một khoản tiền cho người lao động chưa tiêm vắc-xin nhưng phải thực hiện cách ly trong ít nhất 5 ngày sau khi họ tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người mới trở về từ các vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm cao ở nước ngoài. Trong khi đó, những người đã tiêm vắc-xin không bị buộc phải cách ly.
Mạnh tay như vậy không phải Chính phủ Đức thiếu tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng trên mà nhằm khuyến khích người dân tích cực tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Bộ trưởng Y tế Đức khẳng định tiêm chủng hay không là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng quyết định đó luôn phải đi kèm với trách nhiệm về tài chính.
Đức vốn đã sớm bảo đảm nguồn vắc-xin để tiêm cho người dân. Vậy nhưng theo thống kê của Viện Dịch tễ Robert Koch Institute (RKI), tính đến ngày 22-9, mới có tổng cộng 63,4% dân số Đức tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Con số này thấp hơn tỷ lệ 85% mà viện này cho rằng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, hiện trung bình mỗi ngày Đức ghi nhận 10.454 ca mắc mới, một con số đáng lo ngại nếu người tiếp xúc với các ca này (F1) nghỉ cách ly ít nhất 5 ngày dẫn đến thiếu nguồn lực lao động, ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ của nền kinh tế.
Nam Long